Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Phải nhổ cho sạch cỏ!

Ngày đăng 13/11/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Bác Hồ nói rất dễ hiểu: Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong các nhiệm vụ của cách mạng “cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không, thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta”.
Responsive image
 

Người nói: “tham ô là trộm cướp”; “là ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của Nhân dân…”. Nguyên nhân chủ yếu của tham ô là “vì bệnh quan liêu”. Những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng… Từ đó: “Có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí".

Bác tổng kết: Chính bệnh quan liêu đã “ấp ủ, dung túng, che chở” cho nạn tham ô, lãng phí. Tất cả đều “là kẻ thù của Nhân dân”; “…, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. Người nhấn mạnh: “Nếu ta không quan liêu thì trong cải cách ruộng đất không sai lầm nhiều như ta đã sai lầm… Tóm lại chúng ta đã mắc bệnh quan liêu, xảy ra nhiều thiếu sót, có nhiều tai hại, ta cần phải tránh”.

Nhớ lại những năm tháng mới dựng nên Chính quyền Xô Viết, Lê-nin  đã cảnh báo: “… chúng ta bị khốn khổ trước hết về quan liêu... Nếu cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”.“nếu còn hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được. Trong trường hợp này, thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị được, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành”. Đúng như dự báo; cả hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh đã chao đảo, Liên Xô-một thời là thành trì của cách mạng thế giới đã dể dàng sụp đổ, do quá quan liêu…

Ở nước ta, từ sau Cách Mạng Tháng Tám và sau Chiến thắng 30/04/1975, hệ thống chính quyền tay sai của thực dân, đế quốc đã bị đánh đổ. Bên cạnh việc thiết lập nên một trật tự xã hội mới với công cụ chủ yếu là chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân thì đâu đó đã xuất hiện tình trạng “không bình thường” hết sức nguy hiểm. Đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sống xa Dân, quên đi những ngày tháng được Nhân dân đùm bọc, che chở. Căn bệnh đó trở thành khuyết tật nặng nề. Từ quan liêu dẫn đến tham nhũng. Bọn họ ngày càng “tha hóa”, đánh mất lương tri, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của quần chúng; thẳng tay “thâu tóm” quyền hành, vơ vét của cải… Biết bao trọng án đã xảy ra! Trong lịch sử Đảng ta chưa bao giờ có một số lượng lớn cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, chịu án tù do quan liêu, tham nhũng! Thống kê 10 năm qua hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Đau xót nhất là hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 56 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Bộ trưởng Bộ Công an, vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, báo cáo về hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực.

Nhưng do mang dã tâm chống phá, các thế lực thù địch luôn rêu rao rằng, công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta là cuộc “thanh trừng nội bộ”, “ẩu đả phe cánh”… Nguy hiểm nhất là sự quy chụp, cho rằng nguồn gốc của tham nhũng là xuất phát từ bản chất của chế độ ta; Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng vì phần lớn đảng viên, cán bộ đã suy thoái, tham nhũng… Tham nhũng là “căn bệnh nan y không có thuốc chữa”, là hệ quả tất yếu của chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền và luôn tập trung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ… Mới đây, trên trang “doithoaionline” đã tán phát bài viết “Chống đâu xiêu đó” của Phạm Trần. Hắn tiếp tục xuyên tạc: “Đảng, Nhà nước không chống nổi tham nhũng, dung dưỡng cho tham nhũng…”.

Tất cả đều là bịa đặt. Bởi tham nhũng không chỉ xảy ra ở những nước có chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo như Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo công bố của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, “phần lớn tham nhũng xảy ra ở các quốc gia có chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”… Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế công nhận trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng ở nước ta được Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội,... Theo kết quả điều tra dư luận xã hội gần đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên lố bịch, trơ trẽn, nực cười…

Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ định hướng cho công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới đây là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

Mỗi chúng ta cần phải tích cực góp phần nhổ cho sạch cỏ!

Nguồn: www.angiang.dcs.vn