Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Người đi tìm hình của Nước

Ngày đăng 03/06/2019

Xem với cở chữ : A- A A+

Kỷ niệm 108 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2019): Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các cuộc khởi nghĩa vũ trang, những nỗ lực của các sĩ phu yêu nước hầu như đều thất bại. Phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Day dứt với câu hỏi làm thế nào để đánh đuổi được thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào?, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có được dự cảm về sự chuyển biến của thời đại: Kẻ xâm lược đến từ phương Tây, mang theo sức mạnh của văn minh phương Tây, muốn thắng được họ, phải đi tìm một con đường khác.

Ngược với làn sóng Đông Du, Bác Hồ lựa chọn đi sang phương Tây. Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng, lấy tên Văn Ba, làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, Người đã ra đi với đôi bàn tay trắng, với một ý chí mãnh liệt và một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh 30 năm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. 

 

Responsive image
 

Bác chúng ta đã tiến hành cuộc khảo sát rộng lớn thế giới tư bản: Từ cảng Nhà Rồng, qua Singapore, Colombo, vượt Hồng hải, qua Suez đến cảng Said, Marseille, Le Havre… rồi đi vòng quanh Châu Phi, qua các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Algérie, Tunisie, trở lại các cửa biển Đông Phi, vòng qua Congo, Dahomey, Guinée, Sénégal, vượt Đại Tây Dương tới Hoa Kỳ, vòng xuống Nam Mỹ, tới Arghentina… Sau đó, trở lại Anh, rồi sang Pháp, Đức, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan…, tất cả hơn 30 nước.


Bản thân là người dân thuộc địa, ra nước ngoài bôn ba, khảo sát các thuộc địa của đế quốc Anh, Pháp, Đức, từ Châu Á, Châu Phi đến Châu Mỹ la tinh, hòa mình vào cuộc sống lao động và đấu tranh của vô sản ở chính quốc. Cuối năm 1917, Bác từ Anh trở lại Pháp vào lúc cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vừa thắng lợi, mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử loài người. Nhân Hội nghị Hòa bình Versailles, cùng với Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, dưới tên ký Nguyễn Ái Quốc, Bác đưa ra Bản Yêu sách tám điểm, đòi quyền bình đẳng về pháp lý và các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho Nhân dân Việt Nam nhưng Bản Yêu sách không được các đế quốc thắng trận để mắt tới. Với thực tiễn đã trải qua, Bác rút ra kết luận: Chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và Nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa; muốn giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình. Qua đó càng khẳng định sự nhạy cảm về chính trị, tính chủ động, khôn khéo, sắc bén trong đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt lên trên tầm nhìn của các nhà chí sĩ yêu nước đương thời; đồng thời, đánh dấu sự tiếp cận gần hơn chủ nghĩa Mác - Lênin của Người.

Trong bóng tối của chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 7/1920 qua báo L’Humanité (Nhân Đạo), Người được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin. Bản Luận cương của V.I. Lênin như luồng ánh sáng chói lọi chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn của Bác, đem đến cho Người một nhãn quan chính trị mới.

Sự kiện được đọc bản Luận cương của V.I. Lênin, cùng với những hoạt động sát cánh với công nhân, trí thức Pháp và các đại biểu thuộc địa, cùng đồng bào mình trên đất Pháp là tiền đề có tính quyết định việc Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII tổ chức ở thành phố Tours, tháng 12/1920. Người đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Người ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh Niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về tổ chức và chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 03/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản để thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thống nhất đất nước, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.

Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở hải ngoại tìm đường cứu nước, Người đã về nước và cùng với các đồng chí lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, đập tan ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã lựa chọn, cả dân tộc ta đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”, viết nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

 

 

Responsive image
 

Kỷ niệm 108 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc (5/6/1911 - 5/6/2019), trước những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước đạt được hôm nay, mỗi chúng ta càng thấy rõ tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của sự kiện này. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam thân yêu hôm nay đã được bắt đầu và quyết định từ những tháng năm “Người đi tìm hình của Nước”.

Kim Yến Nguồn: Tuyengiaoangiang.gov.vn