Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bác rất yêu quý các cháu miền Nam

Ngày đăng 08/12/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
Nắng tháng sáu rực rỡ. Những ngày tháng sáu năm 1969, Hà Nội từng bừng đón tin vui: Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam thành lập. Phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chúng tôi được nâng lên thành Đoàn đại diện đặc biệt của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trụ sở của Đoàn những ngày này tấp nập đại biểu trong nước và nước ngoài đến chúc mừng.

Sáng 12 tháng sáu, chúng tôi vô cùng xúc động và phấn khởi được đón Bác Hồ đến chúc mừng bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam.

Chúng tôi quây quần bên Bác, người Cha già yêu thương vô hạn. Bác ân cần hỏi thăm sức khoẻ anh chị em trong đoàn chúng tôi, hỏi han hoàn cảnh công tác, gia đình mỗi cán bộ, nhân viên, không thiếu một ai.

Bác nhờ Đoàn chuyển lời thăm hỏi thân ái của Người đến các vị trong Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và trong Hội đồng cố vấn Chính phủ. Bác cũng nhờ Đoàn chúng tôi chuyển lời khen ngợi đồng bào và bộ đội, các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, các cháu thanh niên và nhi đồng miền Nam đã luôn luôn đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, thắng lợi vẻ vang.

Bác lại đem kẹo chia cho các cháu và tất cả chúng tôi như lần đầu tiên Bác đến thăm Phái đoàn.

Một kỷ niệm thiêng liêng, sâu sắc nữa lại đến với tôi (Nguyễn Khánh Phương). Ngày 14 tháng sáu, anh Nguyễn Phú Soại và tôi nhận được tin Bác cho biết muốn gặp chúng tôi. Tôi vừa mừng, vừa lo.

Đúng bảy giờ, chúng tôi vào nhà Bác. Bác tiếp chúng tôi ngay tại nhà như những người thân trong gia đình. Tôi ngồi cạnh Bác và quạt cho Bác như con gái về thăm ba.

Bác thân mật nói: Hôm nay, Bác muốn gặp cô và chú để hỏi về tình hình các cháu học sinh miền Nam, Bác được báo cáo có một số cháu tiến bộ chậm.

Chúng tôi báo cáo với Bác về những cố gắng của Bộ Giáo dục, của thầy giáo, cô giáo các trường nhận dạy con em miền Nam và những cố gắng của Phái đoàn của chúng tôi về công tác này.

Không những Bác biết rõ tình hình ăn học của các cháu mà còn nêu cho chúng tôi tên những cháu ngoan và một số cháu chưa ngoan.

Bác dặn chúng tôi, đại ý: nếu để tình hình này kéo dài thì ba má và gia đình các cháu đang chiến đấu ở miền Nam sẽ kém yên tâm. Bác nhắc nhở chúng tôi là những người thay mặt cho cha mẹ các cháu phải đặc biệt quan tâm chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng tiến bộ. Bác động viên chúng tôi phải cố gắng và quyết tâm. Bác nêu rõ trách nhiệm phải nuôi dạy cho các cháu tiến bộ nhiều vì bản chất các cháu rất tốt, các cháu đều là mầm non của đất nước. Việc dạy dỗ, nuôi dưỡng đòi hỏi phải có lòng thật sự thương yêu các cháu…

Được ngồi bên Bác, nghe những lời chỉ bảo của Bác, tôi càng nhớ đồng bào miền Nam da diết.

Khi ra về, qua vườn nhà Bác, tôi nhìn thấy cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi tặng Bác và Bác ngày ngày tự tay vun xới đã lớn lên, cao quá mái nhà đơn sơ của Bác. Tôi nhìn cây vú sữa mà nghĩ đến người Ông trồng cây cho con cháu ăn quả đời đời. Bác đã kêu gọi nhân dân miền Bắc trồng cây cho đất nước xanh tươi và Bác cũng không quên nhắc mọi người: “Chúng ta phải trồng cây cho đồng bào miền Nam nữa”. Bác nhắc: “Trồng cây nào tốt cây ấy”. Có những loại cây, Bác tự tay trồng và chăm bón cho đến khi ra hoa kết quả, rồi Bác lấy giống gửi tặng các địa phương để “nhân lên”. Bác dặn các cụ già và các tỉnh chú ý “nhân giống cho miền Nam, trồng nhiều cây miền Nam trong vườn kết nghĩa”. Bác luôn nghĩ đến việc ươm hạt giống cách mạng cho miền Nam. Miền Nam trân trọng những hạt mầm của Bác.

Tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam sâu rộng hơn biển Đông. Tình yêu thương của Người đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Thành đồng mênh mông bát ngát. Giữa tháng 7-1969, trong buổi gặp mặt thân mật với chị phóng viên Cuba, Mácta Rôhát, Bác đã nói: “Ở miền Nam, những thanh niên dưới 25 tuổi không biết được thế nào là hai chữ “tự do”. Có thể nói rằng ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình có một nỗi đau khổ riêng, và nếu mỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình gộp lại thì đó là nỗi đau khổ của tôi”.

Nguồn: 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên Giáo Trung ương