Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bài học dựa vào dân

Ngày đăng 08/09/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
Vào khoảng tháng 10-1948, Đoàn đại biểu Đảng và Công đoàn Nam bộ ra tới Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta. Đến Việt Bắc tôi vinh dự được cấp trên cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc.

Đầu năm 1950, Đoàn đại biểu Đảng và Công đoàn Nam bộ được đến chào Bác cùng các vị trong Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ. Chúng tôi được chụp ảnh chung với Bác. Khi từ Sài Gòn ra tôi đang là Trưởng Ban cán sự nội thành Sài Gòn.

Đây là lần đầu tiên tui gặp được Bác Hồ. Ấn tượng của tôi lúc gặp Bác tôi vẫn còn giữ mãi cho tới tận bây giờ, đó là nét mặt hiền từ, tấm lòng đôn hậu và sự quan tâm đặc biệt của Bác với nhân dân.

Tháng 01-1950, tại chiến khu Việt Bắc tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc lần thứ ba, bàn về tổng phản công. Đại biểu các nơi phát biểu về tình hình của địa phương mình. Đó là các đại biểu từ Liên khu V và Tây nguyên, có một chi tiết khá thú vị là khi giới thiệu tên các đại biểu, có một đồng chí tên là Phan Đình Công. Nghe đến tên đó, Bác cười và nói vui:

- Lúc này chúng ta chưa đình công đâu, mà còn phải kháng chiến.

Sau khi đại biểu ở các địa phương trong cả nước báo cáo, Bác không phát biểu ngay, người mời hai cụ Phan Kế Toại và Phạm Bá Trực cho ý kiến về các bản báo cáo đó. Hai cụ khiêm tốn mời Bác nói trước.

Bác hỏi thăm sức khỏe của các cán bộ và căn dặn mọi người phải giữ gìn sức khỏe để cùng đồng bào kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Tối hôm đó, có một cuộc tiệc trà để chào mừng các đoàn đại biểu. Trong buổi liên quan, tôi thấy Bác đi ra, như đang tìm ai. Thấy thế, anh Trần Duy Hưng hỏi Bác:

- Thưa Bác, Bác đang tìm ai đấy ạ?

Bác trả lời:

- Bác thấy mấy cháu nhỏ ở xung quanh đây, Bác muốn cho các cháu cùng ăn bánh kẹo.

Tôi còn nhớ hôm gặp đoàn đại biểu Nam Bộ, Bác hỏi rất kỹ về tình hình đấu tranh của đồng bào miền Nam. Với tư cách là người phụ trách công tác ở nội thành Sài Gòn, tôi đã báo cáo tỷ mỉ với Bác về tình hình đấu tranh ở Sài Gòn. Tôi còn chuyển lên Bác bản kiến nghị của hơn một nghìn trí thức nội thành Sài Gòn gửi đại diện Pháp đòi rút quân, đòi cải cách dân chủ, v.v…

Trong thời gian còn ở Việt Bắc, có lần tôi được đi theo các anh Phạm Hùng và Võ Nguyên Giáp đến nhà sàn của Bác ở an toàn khu Sơn Dương. Trong buổi nói chuyện, tôi thấy Bác đặt biệt chú ý tới tình hình miền Nam. Khi tôi nói ý định xin tiền của Trung ương, Bác cười và bảo:

- Trung ương không có tiền, mà chỉ cấp tiền để cho các chú đi và về thôi. Các chú phải dựa vào dân. Nếu chú có một que diêm, nhưng biết cách thì cũng có thể đốt được cả một cánh đồng. Còn nếu có cả mồi lửa to, nhưng không biết cách thì cũng không châm lên được.

Bác muốn nhắc nhở: phải tuyệt đối tin ở dân, dựa vào dân để kháng chiến.

Do yêu cầu cấp bách của tình hình Nam Bộ, nên tháng 3-1950, Trung ương cử đồng chí Phạm Hùng cùng một số đồng chí khác, trong đó có tôi trở về miền Nam. Để giữa bí mật và an toàn, chúng tôi trở về bằng đường qua Lào, sau đó đến Băng Cốc, Thái Lan, rồi từ Băng Cốc bí mật trở về Sài Gòn. Do đường đi vất vả, khó khăn, nên mãi đến tháng 6 chúng tôi mới về tới nơi.

Tôi lại tiếp tục hoạt động ở Sài Gòn. Một thời gian, anh Lê Duẩn đến gặp tôi và dặn:

- Bây giờ phong trào đấu tranh của đồng bào có chiều hướng lắng xuống. Vì vậy, nhiệm vụ của đồng chí là phải làm sao cùng với các đồng chí khác động viên lãnh đạo bà con tiếp tục cuộc đấu tranh chống Pháp và tay sai ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, tôi được trở ra Bắc nhận công tác mới.

Năm 1958, tôi là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, với cương vị đó, tôi có nhiều dịp được gặp Bác.

Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, tôi được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng. Từ đó về sau, trong các cuộc họp của Trung ương, tôi thường được gặp Bác, hoặc được Bác hỏi chuyện một cách thân mật, ân cần.

Khi tôi là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, một lần Bác gọi tôi lên hỏi:

- Tại sao các chú không lắp hệ thống đèn điện ở vườn Bách thảo?

Vâng lời Bác, tôi chỉ thị cho cấp dưới lắp các cột đèn ở Bách thảo, nhưng dặn là chỉ lắp hệ thống đèn sáng mờ mờ thôi. Sau đó gặp tôi, Bác hỏi:

- Tại sao ở Bách thảo đèn lại mờ như thế?

Tôi giải thích với Bác rằng đó là việc làm có chủ định, vì Bách thảo là nơi nam nữ thanh niên thường vào chơi các buổi chiều tối, nếu lắp hệ thống đèn quá sáng thì họ sẽ không tự nhiên. Nghe tôi giải thích như thế, Bác mỉm cười và bảo: “Chú nhân đạo nhỉ”.

Đầu tháng 2-1965, nhân dịp Tết Nguyên đán, Bác về thăm và chúc Tết đồng bào, bộ đội, cán bộ và công nhân tỉnh Quảng Ninh. Lúc đó, tôi đang là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh. Khi xe đến phà Bãi Cháy, chờ mãi không thấy phà sang, Bác nói:

- Thôi, ta đi đò qua Bãi Cháy.

Trên đò, nhìn thấy một em bé cổng bạn bị liệt đi học, tôi liền thưa với Bác, Bác gật đầu, nhìn em bé nhưng không nói gì. Lên đò, trên đường đi bộ về khách sạn Du lịch, Bác nói với tôi:

- Vừa rồi, chú khen cháu bé trước mặt Bác như vậy sẽ làm cho cháu chủ quan.

Bác nói từ tốn, nhưng qua câu nói đó, tôi cũng rút ra được bài học cho mình là nên khen ngợi một cách vừa phải, kín đáo và tế nhị, tránh để cho người được khen dễ sinh ra tự mãn, kiêu căng.

Ngày 30 Tết Nguyên đán năm Ất tỵ, tôi cùng với Bác đi canô trên Vịnh Hạ Long để chúc tết đồng bào. Bác nói với tôi:

- Lúc đi vào Nam, Bác đi trên một chiếc thuyền chài. Trên thuyền người ta đặt một cái lò và một nồi nước đun sôi để sẵn, khi đánh được cá, họ cho vào luộc, sau đó, uống nước cá luộc, ngon lắm.

Đến Đông Triều, Bác cùng chúng tôi vào một trường học ăn trưa. Lúc đi có cả vợ con tôi. Trong bữa ăn, Bác gắp thức ăn cho vợ tôi. Lần sau gặp tôi, Bác nói:

- Chú làm ngoại giao, khi ăn có phụ nữ thì phải tiếp thức ăn cho họ.

Qua đó, tôi thấy được sự quý trọng và xử sự rất văn minh của Bác với phụ nữ.

Tôi còn nhớ hồi còn ở Thành ủy Hà Nội, tôi được cùng tham gia trong buổi Bác duyệt bản quy hoạch thành phố Hà Nội. Hiện nay bức ảnh chụp Bác đang xem bản quy hoạch tôi vẫn còn giữ trong cuốn sổ album của mình. Sự kiện này làm tôi nhớ mãi, vì lúc đó có một đồng chí trong Trung ương đề nghị Bác là nên xây dựng Văn phòng Trung ương Đảng ở nơi khác, đẹp hơn chỗ hiện nay, là trường học của Anbe Xarô. Nghe thấy thế, Bác trả lời:

- Văn phòng Trung ương như thế là được rồi.

Sau khi im lặng một lúc, Bác hỏi:

- Thế các chú có biết Văn phòng Trung ương xây dựng ở chỗ nào là tốt không?

Mọi người nhìn nhau, Bác chỉ tay vào ngực mình và nói tiếp:

- Xây ở trong này, trong lòng nhân dân là tốt nhất.

Bác muốn dạy cho chúng ta hiểu rằng Đảng và Nhân dân là một. Đảng phải luôn luôn được Nhân dân quý trọng, yêu mến và bảo vệ…/.

Nguồn: Những mẫu Chuyện về tinh thần đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh