Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử

Ngày đăng 22/11/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Thời gian tới, ngành Tòa án sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử- Ảnh 1.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 21/11, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2023.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2023, các Tòa án đã thụ lý 606.209 vụ việc, đã giải quyết được 540.490 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,16%; cao hơn năm trước 0,26%. So với năm 2022, số vụ việc đã thụ lý tăng 38.688 vụ (tăng 6,8%); đã giải quyết tăng 35.809 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,89%, thấp hơn năm trước 0,01% và đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng; tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ trực tuyến toàn quốc hằng tháng; hội thảo chuyên sâu về kỹ năng xét xử các loại vụ án; tổ chức biên soạn, chỉnh lý hệ thống giáo trình, xây dựng các chuyên đề, bài giảng nghiệp vụ. Tổ chức tốt các lớp đào tạo các chức danh tư pháp; tăng cường bồi dưỡng cho các Hội thẩm nhân dân, hòa giải viên.

Tiếp tục tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình "Hành chính tư pháp một cửa", đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân khi có công việc liên quan tới Tòa án.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Các Tòa án tiếp tục sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến; đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các phần mềm nội bộ dùng chung và cung cấp các dịch vụ tư pháp công của Tòa án nhân dân lên nền tảng số; triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo, đến nay đã có hơn 11.000 Thẩm phán, Thư ký được cung cấp tài khoản với tổng số hơn 3 triệu lượt truy cập sử dụng trợ lý ảo; tổ chức xét xử trực tuyến đối với 13.617 vụ án, đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa.

Việc tiếp công dân được các Tòa án thực hiện thường xuyên, định kỳ theo đúng quy định. Các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Tòa án đều được giải quyết kịp thời nên việc giải quyết đối với loại đơn này luôn đạt tỷ lệ cao

Bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của các Tòa án trong năm qua còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao. Một số Tòa án giải quyết án còn chậm so với quy định. Số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa được tăng tương ứng với việc gia tăng thẩm quyền, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân. Một số Tòa án địa phương chưa chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ;...

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thời gian tới, ngành Tòa án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra.

Làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác. Rà soát lại biên chế và khối lượng công việc của Tòa án nhân dân các cấp từ đó phân bổ, cơ cấu lại theo vị trí việc làm đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ phù hợp với đặc thù của Tòa án nhân dân.

Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành các dự án luật được phân công chủ trì soạn thảo đảm bảo tiến độ, chất lượng; đặc biệt là, chủ động xây dựng để kịp thời triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử. Đổi mới quy trình lựa chọn và công bố án lệ theo hướng rút ngắn về thời gian và thủ tục, nâng cao chất lượng của án lệ.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; đa dạng các hình thức tập huấn, bồi dưỡng.

Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Nghiêm túc thực hiện tốt Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở của các Tòa án, trang bị phòng xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Chủ động, tích cực hợp tác chặt chẽ với Tòa án các nước, các đối tác nhằm mở rộng hợp tác quốc tế. Tích cực tham gia vào các thiết chế tư pháp quốc tế.

Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm nội bộ dùng chung, phần mềm Trợ lý ảo; vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát điều hành Tòa án nhân dân.

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ