Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày đăng 08/11/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng nay ngày 03/11/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Responsive image
 

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trình Lam Sinh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang thống nhất với các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trình Lam Sinh góp ý một số nội dung cụ thể như sau:

Tại điều 3. Giải thích từ ngữ, dự thảo luật đã cơ bản giải thích đầy đủ các thuật ngữ chuyên ngành. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung giải thích thêm cụm từ: đất công; cụm từ cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bởi vì tại khoản 7 Điều này giải thích cụm từ: “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” là cá nhân có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Nếu hiểu ngược lại thì cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân không có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Điều này chưa phù hợp, bởi trong thực tế có khá nhiều cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, thu nhập đó là do họ cho thuê đất hoặc thuê người khác để sản xuất nông nghiệp, còn bản thân họ làm việc khác không liên quan đến sản xuất nông nghiệp...

Tại khoản 24 điều 79 của dự thảo: Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thay thuật ngữ “lấn biển” thành cụm từ “bảo vệ vùng biển của nước CHXHCNVN”. Như vậy quy định tại khoản 24 sẽ có nghĩa như sau “thu hồi đất để thực hiện hoạt động bảo vệ vùng biển của nước CHXHCNVN”.

Tại điều 87 về Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Kính thưa quốc hội, công tác vận động rất quan trọng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất và mất rất nhiều thời gian để làm việc, thuyết phục. Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 2 Điều này quy định thời gian vận động là 10 ngày. Theo tôi thời gian này là chưa đủ; đồng thời thực tiễn xét xử các vụ kiện hành chính liên quan đến quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường có cưỡng chế luôn đòi hỏi có xác định rõ số lần vận động và có lập biên bản. Do đó,  đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tăng thời gian vận động lên 15 ngày và vận động 03 lần sau đó mới ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.

 
Responsive image
 

Cũng tại điều này, ở khoản 3 lại quy định thời gian niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 30 ngày. Quá trình lấy ý kiến, nhiều cử tri là cán cơ sở và cán bộ làm công tác này cho rằng thực tế có 2 vấn đề cần lưu ý: (01) là thời gian niêm yết chỉ cần từ 15 - 20 ngày là hợp lý, thậm chí 20 ngày đã là hơi dài; (2) một số dự án người bị thu hồi đất đồng ý 100% với phương án bồi thường nhưng không thẩm định, phê duyệt được phương án bồi thường. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án một cách hợp lý, đảm bảo thủ tục, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định mở ra như sau: thời gian niêm yết phương án bồi thường là 15 ngày; đối với vùng cao do điều kiện đi lại khó khăn thì thời gian niêm yết là 30 ngày; trường hợp chưa hết thời gian niêm yết phương án bồi thường mà người bị thu hồi đất đồng ý 100% với phương án bồi thường thì trình thẩm định, phê duyệt khi chưa hết thời gian niêm yết.

Cũng tại điểm a khoản 3 Điều này quy định việc đối thoại do tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện. Thực tế việc đối thoại là rất khó khăn và không chỉ giải thích, thuyết phục mà còn quyết định các chính sách bồi thường. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì việc đối thoại.

Tại khoản 2 điều 127, đề nghị ban soạn thảo quy định rõ hơn về nội dung “Không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai” để Nhà nước thực hiện thu hồi và giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đối với cả khu đất.

Cũng ở điều 127, tại điểm b và điểm c khoản 3 về điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm: “…..b) Có quy hoạch xây dựng 1/2000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. c) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu”. Tuy nhiên, tại Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư các điều kiện sau: “….4. Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật”. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát nội dung này để có sự thống nhất giữa luật và các văn bản có liên quan./.

NGUYỄN NGUYỄN