Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

An Giang: Kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2022

Ngày đăng 28/12/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Trong năm 2022, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh tiếp tục bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh để điều hòa phối hợp các hoạt động của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Tổ chức thành công 06 kỳ họp HĐND tỉnh; trong đó: Gồm 02 kỳ họp giữa năm và cuối năm, 04 kỳ họp (chuyên đề). Kết quả, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 88 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm quyền, quy trình, thủ tục. Các nghị quyết đều phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đồng bộ trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát huy được tiềm năng thế mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh An Giang ngày càng phát triển.

Responsive image
 

Hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp HĐND

Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 05 cuộc khảo sát, giám sát và tham gia 09 cuộc khảo sát, giám sát của các Ban HĐND tỉnh trước các kỳ họp thường lệ, nội dung liên quan đến các vấn đề: Các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 sử dụng vốn ngân sách nhà nước; dự án Nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (Đường tỉnh 945); dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến Kênh Vĩnh tế thuộc Hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu (đoạn Tịnh Biên - Châu Đốc); Dự án Xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn giai đoạn 2016 - 2021 (tiểu vùng Bình Phú, Ô Long Vỹ), huyện Châu Phú; việc “thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”; thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; kết quả thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, gắn các giải pháp thực hiện an sinh xã hội, việc làm cho người lao động ổn định cuộc sống”; kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19.

Qua hoạt động khảo sát, giám sát, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đánh giá sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ; ghi nhận những khó khăn và đề xuất, kiến nghị của đơn vị, địa phương được giám sát để kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành liên quan các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước; đồng thời nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

 
Responsive image
 

Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh: Rà soát, quản lý chặt chẽ tình hình phân bổ vốn, giải ngân vốn đã phân bổ, trên cơ sở đó tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, hoàn thành tốt kế hoạch đầu tư công năm 2022 cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; quan tâm bố trí nguồn vốn đối ứng để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ cấu quy định của từng chương trình, dự án, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh và bền vững...

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

Tại kỳ họp giữa năm 2022 HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn Thủ trưởng 05 sở ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các vấn đề cử tri quan tâm như: Y tế; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Cục Thuế tỉnh; Công an tỉnh liên quan 13 nội dung: Tiến độ tiêm vaccine Covid-19; giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh sốt xuất huyết; tiến độ đóng lấp các bãi rác gây ô nhiễm môi trường và tiến độ đầu tư các công trình xử lý rác trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; giải pháp ngăn ngừa, xử lý các hoạt động “tín dụng đen”, tệ nạn xã hội và tội phạm sử dụng công nghệ cao; công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy...

 
Responsive image
 

Tại kỳ họp cuối năm 2022, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ánh dư luận xã hội, các đơn thư phản ánh, kiến nghị của công dân, đề xuất chất vấn của các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chọn nhóm vấn đề chất vấn thuộc các lĩnh vực: An ninh, trật tự; tài nguyên và môi trường; lao động, thương binh và xã hội; bảo hiểm xã hội; giao thông vận tải; nội vụ và nhóm vấn đề chung về kinh tế - xã hội, gửi đến Thủ trưởng một số sở, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời tại kỳ họp.

Nhìn chung, phiên chất vấn được chuẩn bị chu báo về mặt nội dung, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm, sát với tình hình thực tế. Những nhóm vấn đề mà Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn chất vấn tại kỳ họp luôn phù hợp với thời điểm, tình hình của tỉnh và được cử tri, dư luận xã hội quan tâm đánh giá cao. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng Phiên chất vấn.

Hoạt động tiếp xúc cử tri

Thường trực HĐND tỉnh luôn đảm bảo xây dựng kế hoạch và tham dự đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh (tại địa bàn ứng cử) trước và sau các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh để ghi nhận kịp thời những tâm tư, nguyện vọng ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi gắm đến kỳ họp. Cụ thể: Trước kỳ họp giữa năm 2022, đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 100 điểm, với 7.215 cử tri tham dự, qua đó đã tiếp nhận 374 lượt ý kiến cử tri. Sau kỳ họp giữa năm 2022, đã tổ chức tiếp xúc tại 113 điểm (trong đó có 01 buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về giáo dục và đào tạo), với 7.215 cử tri tham dự, qua đó đã tiếp nhận 230 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri; trước kỳ họp cuối năm 2022 tổ chức tiếp xúc tại 97 điểm, với 7524 cử tri dự. Qua đó, đã tiếp nhận được 522 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri với 37 nội dung cụ thể cần các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Qua các buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp bách trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; đánh giá cao hoạt động tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu HĐND ngày càng năng động, chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Kết thúc đợt tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã sớm gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị trả lời các ý kiến của cử tri; đối với những vấn đề được cử tri quan tâm, mang tính bức xúc sẽ được lựa chọn để đưa vào nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh giữa năm và cuối năm 2022.

Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh quan tâm, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ trong việc chỉ đạo, điều hành các cơ quan chức năng, địa phương giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri; hầu hết các nội dung trả lời rõ ràng, bám sát nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả và có lộ trình, thời gian giải quyết cụ thể. Nhiều cuộc họp chuyên đề được UBND tỉnh tổ chức để chỉ đạo giải quyết cụ thể vụ việc liên quan đến kiến nghị của cử tri; đồng thời tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.

Đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri thông qua việc luân chuyển địa bàn tiếp xúc của đại biểu HĐND giúp cho đại biểu nắm bắt tình hình một cách bao quát địa bàn. Ngoài ra, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Long xuyên, thành phố Châu Đốc tổ chức tiếp xúc cử tri kết hợp đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân; Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị huyện Tri Tôn tiếp xúc cử tri chuyên đề với nông dân tiêu biểu của các xã, thị trấn và tiếp xúc với cử tri là người lao động; Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị huyện Châu Thành tiếp xúc cử tri chuyên đề “Công tác giáo dục và đào tạo” được cử tri hưởng ứng tham gia, tích cực đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị.

Nhìn chung, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND từng bước được nâng lên, thể hiện tinh thần trách nhiệm của đại biểu trước cử tri, tạo niềm tin với cử tri, là cầu nối giữa cử tri và cơ quan quyền lực tại địa phương.

Hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Hoạt động tiếp công dân được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện theo đúng quy định pháp luật; đã ban hành Nghị quyết về Quy chế tiếp công dân của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Thông báo Lịch tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo quy định. Công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm và thực hiện tốt; bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác tiếp công dân, kịp thời xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh  

Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; phối hợp chặt với Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chuẩn bị các nội dung trình tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân để báo cáo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo. Tổ chức Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh hàng tháng đảm bảo theo quy định để xem xét, cho ý kiến các nội dung thuộc thẩm quyền: Chương trình công tác hàng tháng của Thường trực, các Ban HĐND; khảo sát, giám sát; kế hoạch tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh; cho ý kiến đối với 15 tờ trình, công văn của UBND tỉnh; trong đó có 13 tờ trình, công văn cho ý kiến đồng ý.

Thường trực HĐND tỉnh phối hợp Ban Công tác đại biểu - Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thành công hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phối hợp với Thường trực HĐND huyện Tri Tôn tổ chức hội nghị giao ban Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hoạt động của các Ban Hội đồng nhân dân

Các Ban HĐND tỉnh tích cực chủ động và linh hoạt trong công tác khảo sát, giám sát; thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết được phân công. Bên cạnh đó, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh tham gia đầy đủ Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh, nghiên cứu, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để giúp Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến, quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn; thường xuyên nghiên cứu, theo dõi, thực hiện các nội dung, các hoạt động có liên quan đến Hội đồng nhân dân tỉnh.

Các Ban HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra 83 tờ trình, dự thảo nghị quyết. Việc thẩm tra các tờ trình, báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết được các Ban HĐND tỉnh thực hiện chủ động, linh hoạt, thể hiện tinh thần trách nhiệm, đúng trình tự, thời gian quy định và đảm bảo chặt chẽ. Các báo cáo thẩm tra đánh giá toàn diện về sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của Ban về những vấn đề thuộc nội dung thẩm tra, ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phương án xử lý đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để HĐND thảo luận, cho ý kiến. Các báo cáo thẩm tra đạt chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu thảo luận và quyết định.

Hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ Hội đồng nhân dân; tiếp công dân; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Thường trực HĐND để tổng hợp và chuyển UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Đồng thời, đề xuất nội dung giám sát, khảo sát năm 2023 với Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh; đề xuất các nội dung cần chất vấn tại các kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh.

Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố họp thảo luận và cho ý kiến đối với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp giữa năm và cuối năm 2022 HĐND tỉnh đảm bảo theo yêu cầu. Kết quả, các Tổ đã có nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong năm 2022. Việc thảo luận các báo cáo, tờ trình và dự thảo Nghị quyết do Thường trực HĐND và UBND tỉnh chuẩn bị trình kỳ họp, góp phần cùng HĐND tỉnh kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trong năm 2023...

Các vị đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân trong việc giữ mối liên hệ với cử tri và nhân dân; các đại biểu là thành viên của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tích cực tham gia các hoạt động khảo sát, giám sát của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nhìn chung trong năm qua, hoạt động Hội đồng nhân dân tiếp tục được nâng lên theo hướng đổi mới, trách nhiệm, hiệu quả; công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan liên quan được duy trì, kịp thời qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời gian tới./. 

NGUYỄN NGUYỄN