Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Nhiều ý kiến đóng góp đối với với dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Ngày đăng 17/04/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Chuẩn bị cho Kỳ họp Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tại Hội thảo, các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo tinh thần của Nghị quyết Nghị quyết số 27-NQ/TW, Tòa án nhân dân có vị trí, vai trò rất quan trọng, là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, đồng thời cũng là trung tâm thực hiện cải cách tư pháp theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng... Từ quy định nêu trên và xuất phát từ thực tiễn, việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) thay thế Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 là cần thiết.

Responsive image

ĐBQH tỉnh An Giang Phan Huỳnh Sơn phát biểu ý kiến tại Hội thảo

 

Đóng góp nội dung cụ thể của dự án Luật, tại Điều 4 về Tổ chức và thẩm quyền thành lập các Tòa án nhân dân: Nhiều ý kiến của đại biểu thống nhất theo Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện) trong dự thảo Luật. Bởi vì hệ thống Tòa án hiện nay hoạt động đã ổn định và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Tại Điều 15 về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền Tòa án, các ý kiến thống nhất theo các quy định trong dự thảo Luật, tuy nhiên có ý kiến cho rằng, trong thực tế rất cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Tòa án đối với đương sự trong việc thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ trong các vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Đồng thời cần quy định biện pháp chế tài cụ thể xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ liên quan chậm trễ, cũng như không hợp tác cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, hoặc khi đương sự yêu cầu.

Đối với Điều 105 về thông tin về Thẩm phán vi phạm pháp luật: Tại khoản 2, có ý kiến đề nghị trường hợp Thẩm phán bị tạm giữ vì phạm tội quả tang, đề nghị cơ quan tạm giữ thông báo cho Chánh án Tòa án nhân dân (nơi quản lý) trước khi thông báo đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết. Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán, đề nghị cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thông báo cho Chánh án Tòa án nhân dân (nơi quản lý) trước khi thông báo đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết...

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tổng hợp, báo cáo Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật làm cơ sở trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới./.

NGUYỄN NGUYỄN