Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Chống lãng phí để thêm nguồn lực chống dịch bệnh, bảo đảm mục tiêu "kép"

Ngày đăng 29/07/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Theo các đại biểu Quốc hội, cần có chiến lược lâu dài, sống chung với dịch bệnh, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng người lao động, doanh nghiệp để không đứt gãy chuỗi sản xuất…

Đây là những vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận của Quốc hội tại Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới diễn ra sáng 25/7.

Cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế

Phát biểu thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định, tuy đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp nhưng với sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt, sáng tạo của Trung ương, Chính phủ, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép, kinh tế vĩ mô, ổn định cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực, vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đều tăng. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, giáo dục... Những kết quả đạt được là đáng tự hào và tạo thêm niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 và kế hoạch 2021-2025 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể là kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 kéo dài, chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, cần có chiến lược lâu dài, sống chung với dịch bệnh, sớm đưa tình trạng bình thường mới trở lại. Cần có kịch bản cụ thể cho hoạt động của cơ quan nhà nước…

Responsive image

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình)

 

Cùng với đó, bên cạnh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp (DN) để không đứt gãy chuỗi sản xuất rất cần đảm bảo quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly.

Bà Tâm đặc biệt nhấn mạnh các cơ quan nhà nước phải tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn tài chính cho phòng, chống dịch COVID -19. “Hiện tượng lãng phí vẫn còn phổ biến. Nhiều công trình được xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn bỏ hoang hoặc hiệu quả thấp. Cử tri cho rằng, lãng phí cũng rất nguy hại và nhiều khi gây tác hại lớn hơn nhiều so với tham nhũng”, nữ đại biểu đoàn Quảng Bình nói.

“Nếu kiên quyết, có chế tài mạnh, chúng ta có thể chống lãng phí hiệu quả và có thêm nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.  

Responsive image

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Đại biểu Bắc Kạn) dành trọn thời gian để phân tích những vấn đề nóng trong ứng phó với đại dịch COVID -19.

 

Theo bà, quyết liệt phòng chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan. Thời  gian qua nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, khoa học, nắm chắc tình hình đưa ra các biện pháp phù hợp từ đó hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó còn có những địa phương áp dụng hình thức đón đầu dịch, tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, sáng tạo xét nghiệm mẫu gộp.


Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số văn bản của các địa phương gây tranh cãi, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định.

“Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì một chỗ bị  bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế", bà Thủy nói và đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo khắc phục vấn đề này.

Theo đại biểu Thuỷ, bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị. Có thể thấy trong suốt thời gian chống dịch nhiều hoạt động bị chậm lại, nhưng phong trào tương thân tương ái lại nở rộ khắp nơi, trên khắp cả nước những câu chuyện về tấm lòng thương thảo, nghĩa cử cao đẹp và tình người trong dịch không thể kể hết được không chỉ các cá nhân, doanh nghiệp kể cả người già, em nhỏ, cả người lao động đang mưu sinh còn nhiều khó khăn cũng chung tay đỡ đần. Gần đây là sự ra mắt của Quỹ vắcxin phòng chống COVID càng cho thấy tấm lòng của người dân, doanh nghiệp. “Có thể nói, COVID đã thực sự trở thành phép thử đối với, tinh thần kỷ luật ý thức trách nhiệm của công dân trong suốt thời gian qua”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích số liệu 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy có sự phân hoá lớn trong các khu vực của nền kinh tế. Trong khi khu vực kinh tế đối ngoại phục hồi mạnh mẽ, xuất khẩu tăng hơn 3% so với năm ngoái, thì khu vực kinh tế trong nước trầm lắng. Tổng số lượng bán lẻ, doanh thu hàng hoá tiêu dùng giậm chân tại chỗ so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ kém xa chưa bằng một nửa khu vực công nghiệp, xây dựng. Đây là tín hiệu đáng lo ngại.

Theo đó, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng biện pháp căn cơ là áp dụng hộ chiếu vắc xin càng sớm càng tốt. Đây là động lực quan trọng để nền kinh tế có thể quay trở lại.

Cân nhắc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói hỗ trợ

Đề cập đến các gói hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng gói 62 nghìn tỷ đồng chưa được triển khai kịp thời và kết quả là chỉ thực hiện được 36 nghìn tỷ. Rút kinh nghiệm gói này, gói thứ 2 là 26 nghìn tỷ được xây dựng trên tinh thần hết sức thông thoáng. Đổi mới là điều hết sức trân trọng nhưng theo đại biểu Mai, nếu không thận trọng thì chúng ta sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, tức là cần khẩn trương nhưng phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức. Đồng thời, cần cân nhắc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói hỗ trợ vì khi kê khai, người dân chỉ biết nộp hồ sơ, còn xác nhận tính đúng đắn thuộc về cơ quan công quyền.

Responsive image

Quốc hội thảo luận tại Hội trường.

 

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về nội dung phòng chống COVID-19, đại biểu Mai lưu ý 3 điểm cần xác định rất cụ thể. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng đối với các biện pháp phòng chống COVID-19. Về thời hạn, cần khống chế thời hạn nhất định. Đồng thời, cần xác định cụ thể trách nhiệm, đặc biệt là cần có biện pháp phòng tránh việc lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) đánh giá gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ được Chính phủ mới ban hành là khá tốt khi cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tốc độ giải ngân.Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng trong bối cảnh hiện nay khi doanh thu của DN không nhiều thì gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ hiệu quả hơn khi tăng chi tiêu, đặc biệt cho các đối tượng yếu thế. Trong trường hợp này vừa tăng kích thích tiêu dùng vừa giải quyết được vấn đề xã hội, đạt được cả 2 “đích”.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đã ngấm ngày càng sâu vào từng DN và người lao động. Do đó, Quyết định của  Đảng, Nhà nước về tiếp tục triển khai gói hỗ trợ khó khăn cho DN và người lao động thực sự là quyết sách kịp thời, hợp lòng dân.

“Chính phủ cần giao Bộ hữu quan xây dựng phần mềm thống kê liên thông giúp cho việc rà soát, triển khai đúng đối tượng thụ hưởng, tránh bỏ sót, trùng lắp, hay tiêu cực xảy ra. Đồng thời, rà soát, đánh giá sức chống chịu của các DN trong bối cảnh hiện nay để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới”, đại biểu kiến nghị./.

 

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang