Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Chủ động sớm, hành động mau lẹ, ứng xử kịp thời với tình hình lao động, việc làm

Ngày đăng 07/06/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Sáng 6/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội với 3 nhóm nội dung cơ bản về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, thực trạng việc làm cho người lao động và khắc phục bất cập trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Chủ động sớm, hành động mau lẹ, ứng xử kịp thời với tình hình lao động, việc làm - Ảnh 1.

Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, ngay sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội với một số nội dung.

Cụ thể là: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Tham gia trả lời chất vấn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước, đại dịch COVID-19 đã để lại hậu quả nặng nề, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ bão phức tạp; không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp thị trường, thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, việc làm… 

Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tinh thần tương thân tương ái của nhân dân ta được khơi dậy mãnh liệt, cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đảm bảo cơ bản các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân, đã triển khai nhanh chóng, kịp thời và có hiệu quả nhiều chính sách xã hội, trong đó có những chính sách chưa từng có tiền lệ.

"Hơn 2 năm qua, với Nghị quyết 30 của Quốc hội chúng ta đã triển khai 4 chính sách lớn nhằm hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 với hơn 120.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ trên 68 triệu lượt người dân, người lao động và hơn 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực ngày càng được các bậc cha mẹ, người học và xã hội quan tâm. Quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo được nâng lên góp phần quyết định vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bảo hiểm xã hội và công tác quản lý bảo hiểm xã hội ngày một đi vào nề nếp, giữ vai trò trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội.

 
Chủ động sớm, hành động mau lẹ, ứng xử kịp thời với tình hình lao động, việc làm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời 3 nhóm vấn đề chính tại phiên chất vấn sáng 6/6 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng khi đối diện với những khó khăn, thách thức rất lớn trong và ngoài nước, sản xuất, kinh doanh đã và đang gặp nhiều khó khăn; vấn đề đời sống, lao động và việc làm cũng nảy sinh nhiều vấn đề phải đối mặt.

"Một bộ phận người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống đòi hỏi thời gian tới chúng ta phải dự báo đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và thích ứng trước những tác động và thách thức mới với các vấn đề lao động, việc làm, đào tạo và bảo hiểm xã hội - những vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau với nguyên tắc chung là: "Nhìn xa - Chủ động sớm - Hành động mau lẹ - Ứng xử kịp thời", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) về chính sách về giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết giáo dục nghề nghiệp là một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thời gian qua, Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp. 

Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề. Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, so với cách đây 5 năm bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500.000 học sinh, sinh viên cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt.

 
Chủ động sớm, hành động mau lẹ, ứng xử kịp thời với tình hình lao động, việc làm - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn) Bắc Ninh chất vấn về vấn đề thị trường lao động việc làm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Bộ trưởng nhấn mạnh muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội.

"Thực tế, phần đa sinh viên vào trường nghề thường là số không có điều kiện học tiếp, muốn nhanh chóng bước vào thị trường lao động, đi làm kiếm thu nhập. Bộ phận học sinh học nghề theo nguyện vọng chưa nhiều. Trong khi đó, phần đa học viên học nghề sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, tỉ lệ tới 85%", Bộ trưởng nêu thực tế.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về việc số trung cấp nghề tăng do áp dụng nguyên tắc (9 cộng); học sinh sau tốt nghiệp phổ thông vào thẳng trường nghề vừa học văn hóa vừa học nghề liệu có lãng phí không, Bộ trưởng cho rằng thời gian tới sẽ có đánh giá cụ thể về vấn đề này; việc vừa học nghề vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn cho ra trường có thể tham gia thị trường lao động. Các nước đang phát triển cũng áp dụng mô hình này như Đức, Nhật Bản và Canada.

Về công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết công tác này đã có nhiều bước tiến. Bộ đã có báo cáo với Ban Bí thư về vấn đề này, trong đó đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo; từ đó cho thấy bên cạnh những bước tiến bộ thì quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng cho biết hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau đào tạo. 

Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.

Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ LĐTB&XH tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. 

Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.

Chủ động ứng phó, đốc thúc nhiều giải pháp ổn định thị trường lao động

Về vấn đề lao động, việc làm, Bộ trưởng nêu con số thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý IV/2022. Trong đó, những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may là 7,2 triệu đồng, điện tử là 9 triệu đồng. 

Các doanh nghiệp cố gắng rất lớn, san sẻ cùng người lao động với phương châm khi làm ăn thăng tiến cùng hưởng, khi khó khăn cùng sẻ chia. Dù vậy, Bộ trưởng xác nhận lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là với nữ công nhân ở các khu công nghiệp.

Về câu hỏi vì sao tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, tính xác thực của các đánh giá như thế nào, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, con số tỉ lệ thất nghiệp 2,25% là đánh giá khách quan, khoa học theo tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra. 

Con số là kết quả khảo sát thực hiện trong 1 tuần trước thời điểm công bố, theo tiêu chí đánh giá "thất nghiệp" là tình trạng người lao động trong độ tuổi có nhu cầu làm việc nhưng không có việc làm, thậm chí không làm việc dù chỉ 1 giờ, sẵn sàng làm việc, không có việc làm hoặc đang tìm việc.

 
Chủ động sớm, hành động mau lẹ, ứng xử kịp thời với tình hình lao động, việc làm - Ảnh 4.

Đại biểu chất vấn về vấn đề đào tạo nghề chất lượng cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài áp tiêu chí đó, Tổng cục Thống kê còn mở rộng thêm một số tiêu chí theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo đó, những ý kiến đánh giá độc lập, đối soát đánh giá của Tổng cục Thống kê cơ bản là trùng nhau.

"Tôi đã từng trao đổi với các đại biểu TPHCM, thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành đã bào mòn tích lũy của người lao động, cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn. Với quy mô thị trường lao động hơn 51,2 triệu người, số thất nghiệp chính thức là 297.000 thì tỉ lệ này chúng ta vẫn hoàn toàn kiểm soát được. Thực tế, năm 2021, cả nước từng lo lắng về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung cứng nhưng Việt Nam đã không để tình trạng đó xảy ra", Bộ trưởng cho biết. Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã chủ động ứng phó, đốc thúc nhiều giải pháp ổn định thị trường lao động.

Giải đáp nhiều vướng mắc về chính sách bảo hiểm xã hội

Đại biểu Tráng A Dương cho rằng đại dịch COVID-19 khiến lao động khó khăn, tỉ lệ hưởng bảo hiểm 1 lần tăng. Tình trạng này diễn ra không những tạo sức ép hệ thống an sinh, còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm toàn dân. Đại biểu đề nghị Trung ương thành lập quỹ hỗ trợ tương tự như hỗ trợ dịch COVID-19 đảm bảo hỗ trợ khó khăn trong cuộc sống và muốn biết quan điểm của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Khái quát về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin diễn biến căng thẳng bắt đầu từ năm 2022.

Về gợi ý thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, theo Bộ trưởng, đây chỉ là một giải pháp nên để ngăn chặn tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, cơ bản nhất là đảm bảo công ăn việc làm, đời sống của người lao động. Việc lập quỹ, nếu có, với quy mô tác động lớn thì phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động một cách thấu đáo.

Đại biểu Ma Thị Thuý đặt vấn đề việc chậm đóng bảo hiểm xã hội gây hệ lụy lớn, nguyên nhân, giải pháp khắc phục ra sao? Thời gian qua dư luận bức xúc thu sai bảo hiểm xã hội chủ hộ kinh doanh cá thể, quản điểm của Bộ trưởng và hướng giải quyết như thế nào?

Nói về việc chủ hộ kinh doanh cá thể phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, giờ lại bị "treo" lương hưu, theo Bộ trưởng, báo cáo của Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, thời gian vừa qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai tỉ lệ không nhỏ. Đây không phải đối tượng quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai diễn ra từ năm 2003 đến 2016.

"Chúng tôi đã phát hiện, chấn chỉnh cơ quan bảo hiểm xã hội. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra về vấn đề này và tập trung sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Đây nội dung chưa quy định trong quy định của luật hiện hành, vì vậy cần đánh giá cụ thể. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chúng ta cần đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu, cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi, xử lý theo quy định", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Các cơ quan có thẩm quyền đang đề xuất chuyển toàn bộ hộ kinh doanh này sang chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trường hợp không muốn, không có nhu cầu thì chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trường hợp người lao động không đồng ý thì trả lại và tính lãi bằng quỹ tăng trưởng hiện nay.

Bộ trưởng cũng thông tin thời gian vừa qua, những trường hợp đang thu bảo hiểm chưa giải quyết được, còn phần đa các địa phương xử lý linh hoạt cho các chủ hộ kinh doanh. Nhiều trường hợp đã chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, có trường hợp cho thoái thu, có trường hợp xin được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng trình bày dự kiến trong chương trình xây dựng pháp luật tới đây có việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo đã dự kiến đưa đối tượng chủ hộ kinh doanh vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

"Chúng tôi mạnh dạn kiến nghị Thường vụ Quốc hội xem xét công nhận, đảm bảo ngay quyền lợi, bổ sung vào Nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện cộng nối quá trình đóng bảo hiểm xã hội, nếu có nhu cầu sang bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bắt buộc", Bộ trưởng kiến nghị.

Trả lời về việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo Luật vừa được công khai lấy ý kiến. Cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận trên 380 ý kiến của tập thể, nhiều ý kiến cá nhân.

Riêng về bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh phải thực hiện nguyên tắc căn bản đóng- hưởng, bình đẳng, chia sẻ. Với ý kiến phản ánh, các quy định thiết kế không tiệm cận tuổi hưu, tuổi nghề… Bộ trưởng lưu ý, tuổi nghề khác hoàn toàn với tuổi nghỉ hưu. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề, tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, không chỉ trong chính sách bảo hiểm.

 
Chủ động sớm, hành động mau lẹ, ứng xử kịp thời với tình hình lao động, việc làm - Ảnh 5.

Đại biểu quan tâm nhiều nhất đến các vấn đề về chính sách bảo hiểm xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, theo Bộ trưởng Dung, trước năm 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Hiện nay, con số này là 900.000 người rút trong 1 năm. Số người rút bảo hiểm xã hội một lần gần bằng số tham gia vào hệ thống. Đây là nguy cơ, thách thức về sau vì tương lai, nhiều người già không có chế độ an sinh, hệ thống chính sách an sinh khó đảm đương bền vững.

Bộ trưởng phân tích nguyên nhân việc rút bảo hiểm là do đời sống, thu nhập khó khăn nên người lao động rút để chi tiêu trước mắt.

"Nguyên nhân rút bảo hiểm xã hội một lần tăng lý do là không có quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng như Việt Nam. Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2016 rất nhân văn. Đây là đánh giá của chuyên gia Liên Hợp Quốc mà chúng tôi tham vấn. Thông lệ quốc tế, các nước chỉ cho rút bảo hiểm khi người lao động mắc bệnh nan y hoặc định cư nước ngoài", Bộ trưởng thông tin.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, rút bảo hiểm xã hội là quyền của công dân, không thể cấm. Vấn đề là cần để người lao động thấy nhiều quyền lợi, thấy lợi ích hơn thì sau khi rút tiền, đến lúc có điều kiện họ cũng tham gia lại. Bộ trưởng cho biết thực tế hiện nay, 1/3 số người rút bảo hiểm đã tham gia trở lại.

Bộ trưởng cũng xác nhận vừa qua có hiệu ứng khi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được đưa ra, người lao động có suy nghĩ không được quyền lợi như hiện nay nên đi rút bảo hiểm. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định tinh thần sửa Luật Bảo hiểm xã hội tập trung theo hướng không hạn chế mà tăng quyền lợi cho người lao động.

Về tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định vấn đề đã được xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, tình trạng này có giảm đi trong thời gian qua. Thanh tra bộ LĐTB&XH đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, ban hành 205 quyết định xử phạt trong 2 năm.

Bộ trưởng chia sẻ: "Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, chúng tôi dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó còn có trên 3.000 đoàn thanh tra bảo hiểm xã hội kiểm soát trên lĩnh vực thu".

Việc thanh tra, xử phạt hành chính góp phần kéo giảm tỉ lệ chậm đóng năm 2022, chiếm 3,3% phần để thu. Đây là tiến bộ rất lớn. Về giải pháp căn cơ, theo Bộ trưởng, cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp: Tuyên truyền ý thức chấp hành của người lao động, chủ sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật, nghị định xử phạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung nhanh ứng dụng công nghệ thông tin BHXH, BHYT, cơ sở dữ liệu dân cư; minh bạch thông tin cho người lao động biết khi người sử dụng chậm đóng 1 tháng, 3 tháng...

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ