Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Nêu gương trước hết lời nói phải đi đôi với việc làm

Ngày đăng 31/07/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
“Nói đi đôi với làm” làm một trong những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là phẩm chất đạo đức nền tảng, là thước đo sự cống hiến, đánh giá phẩm chất, năng lực của mỗi người; theo Bác “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

“Nói đi đôi với làm” còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người. Tấm gương đạo đức của Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức.

Đồng chí Vũ Kỳ, nguyên là Bí thư riêng của Bác nhiều năm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến lúc Bác đi xa, đã kể lại: Năm 1945, cách mạng thành công nhưng nước ta đứng trước những khó khăn tưởng như không vượt qua nổi nào là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đặc biệt là nạn đói do thực dân, phát xít để lại đang tiếp tục hoành hành, một bộ phận rất lớn đồng bào phải chịu đói. Trước tình hình đó, Người kêu gọi cứu đói: Mỗi người, cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, lấy gạo đó cứu đói. Trên cương vị là Chủ tịch nước, Người xin thực hiện trước.

Lúc đó, tất cả cán bộ, nhân viên Văn phòng Chủ tịch nước đồng thời là Văn phòng Nội các không ai muốn Bác phải nhịn ăn. Bởi vì, Bác vừa mới qua cơn bạo bệnh trước ngày giành chính quyền, nhưng Bác đã hết sức nghiêm túc thực hiện quy định của Văn phòng.

Responsive image
 

Vào buổi chiều ngày 2/10/1945, đúng vào buổi Bác và toàn bộ cán bộ, nhân viên Văn phòng nhịn ăn để cứu đói, Người được tin báo có khách. Khách là tướng Hà Ứng Khâm, Tổng Tư lệnh Quân đội Trung Hoa (quân đội Tưởng Giới Thạch, lúc đó đang làm nhiệm vụ giải giáp vũ khí quân đội phát xít Nhật ở miền Bắc Việt Nam), tới Hà Nội thanh tra.

Người yêu cầu Văn phòng chuẩn bị tiệc để đãi khách (mọi người mừng cho Bác, do có khách mà Bác khỏi phải nhịn ăn). Tiệc xong, khi về đến phòng làm việc, Bác mời đồng chí quản lý bếp ăn đến. Người báo với đồng chí quản lý là Bác đã ăn chiều đúng vào buổi phải nhịn và yêu cầu được nhịn ăn bù vào chiều ngày hôm sau.

Bác nói: Phải thực hiện việc nhịn ăn, bình đẳng như mọi người, không được có bất cứ một sự phân biệt nào.

Qua câu chuyện chúng ta thấy được sự gương mẫu của Bác từ những điều đơn giản nhất. Bác tiên phong trong thực hiện nêu gương, thực hiện bình đẳng giữa mọi người. Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác là ở chỗ, dù việc lớn hay nhỏ, đối với Người bao giờ cũng là lời nói đi đôi với việc làm.

Bác nêu cho cán bộ đảng viên một luận điểm quan trọng: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”... “Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”...

Từ câu chuyện, mỗi người, đặc biệt là một cán bộ, đảng viên cần phấn đấu, rèn luyện trong công tác và sinh hoạt hằng ngày giữa lời nói và việc làm. Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong công tác, học tập, lối sống ở nơi công tác, trong tổ chức Đảng và ở nơi cư trú. Quan tâm, việc gương mẫu trong việc quán triệt, hiểu đúng và thực hiện đúng những quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Nói đi đôi với làm trước tiên là nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai. Cán bộ, đảng viên phải  nắm vững đường lối cách mạng của Đảng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân làm cho đúng, cho sát thực tế và đạt hiệu quả.

Theo Bác, lời nói cần đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm, không được “nói một đằng làm một nẻo”. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và Nhân dân, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của đại đa số Nhân dân còn nhiều thiếu thốn,… thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.

Bác thường phê phán "Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được; nghĩa là chỉ quen chỉ thị, quen đề xuất, nói rồi quên, nói cao giọng mà không tính đến các điều kiện thực tế, đến khả năng hành động, thực thi của chính mình”. Nói để cho người khác làm, còn chính mình lại không nêu gương, không quyết tâm theo đuổi, chỉ đạo thực hiện đến cùng một công việc nào đó. Nhiều chương trình được phát động với khẩu hiệu hoành tráng, tổ chức khởi công khởi động rình rang, tốn kém nhưng không thực hiện đến nơi đến chốn, thiếu sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, không tổng kết rút kinh nghiệm… thành ra đầu voi đuôi chuột, làm qua loa chiếu lệ, làm cho có thành tích từ đó mất đi vai trò, vị trí của tổ chức...

Một số khác lại bằng mặt nhưng không bằng lòng, sống hai mặt, trong cuộc họp họ thường nói rất hay về nhân ái, đạo đức, liêm chính, chí công vô tư, lương tâm,... nhưng trong thực tế hành động lại làm ngược lại, nói xấu người này người kia, đề cao quyền lợi hơn trách nhiệm, gây mất đoàn kết trong tổ chức, đơn vị. Hay có trường hợp họp không góp ý, phê bình, ra ngoài lại đem chuyện không hay của tổ chức, đơn vị… làm câu chuyện làm quà cho người khác, tạo dư luận xấu ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức…

Thời gian qua Đảng ta đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”. Vậy mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu nêu gương, gương mẫu trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, mạnh dạn trong đấu tranh phản ánh những trường hợp nói chưa đi đôi với làm...

Tóm lại: Nói đi đôi với làm chính là việc nêu cao tinh thần trách nhiệm và nó phải trở thành lẽ sống, trách nhiệm sống và làm việc của mỗi con người, trước hết là của mỗi cán bộ, đảng viên. Học Bác và làm theo Bác, mỗi người, mỗi tổ chức Đảng và toàn Đảng gương mẫu, khơi dậy và khẳng định tính trung thực, liêm khiết, chân chính, loại bỏ cái dối trá, cơ hội - đó chính là cốt lõi trong xây dựng Đảng của một Đảng chân chính, cách mạng, Đảng mới thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của Nhân dân.

Nguồn: tuyengiaoangiang.vn