Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Công thương trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang

Ngày đăng 23/03/2020

Xem với cở chữ : A- A A+

Ngày 08/3/2020, Bộ Công thương đã có văn bản số 1595/BCT-KH trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, cử tri An Giang phản ảnh: “Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa, chất lượng, giá cả vật tư nông nghiệp... là chủ đề mà cử tri thường xuyên nhắc đến với tâm trạng bức xúc và "ngõ cụt” khi thấy sự chuyển biến không rõ rệt, giá nông sản tiếp tục bấp bênh người sản xuất mà không quyết định giá cả, thị trường vật tư nông nghiệp biến động bất thường, chất lượng không có độ tin cậy cao. Cử tri đề nghị, với trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn cần có phối hợp chặt chẽ, quyết tâm hơn nữa trong việc tìm và khai thác thị trường tiêu thụ ổn định, xây dựng quy hoạch nguồn cung cấp bền vững, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc vi phạm trong sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp”.

 

Vấn đề này, Bộ Bộ Công thương trả lời như sau:

 

Đối với việc tìm và khai thác thị trường tiêu thụ ổn định, xây dựng quy hoạch nguồn cung cấp bền vững:

 

Quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam thời gian qua đã mở ra cơ hội thị trường rộng lớn cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và các loại nông sản hàng hóa nói riêng. Xác định nông nghiệp là khu vực mà Việt Nam có nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển và có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy trong quá trình đàm phán hội nhập Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành liên quan luôn đặt mục tiêu để đạt được phương án tốt nhất cho hàng hóa nông sản của Việt Nam có được điều kiện tốt nhất để xuất khẩu. Phần lớn các mặt hàng nông sản đã được giảm thuế về 0% ngay khi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có hiệu lực.

 

Để có thể khai thác hết lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, tận dụng các ưu đãi về thuế quan, Bộ Công Thương đa và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/0), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản mở rộng thị trường.

 

Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đấu tranh hiệu quả với những rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý đối với nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, giá nông sản không ổn định trong các năm qua, vẫn tồn tại tình trạng “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”. Nguyên nhân chủ yếu do: Nền kinh tế nông nghiệp nước ta hiện nay dựa trên 10,6 triệu hộ nông dân với quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên hoạt động nuôi trồng diễn ra tự phát, theo phong trào, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu; Tổ chức sản xuất manh mún khiến chất lượng nông, thủy sản của nước ta không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc;) Thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm nông, thủy sản, từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu; thiếu sự liên kết sản phẩm theo vùng, theo địa phương, trong đó doanh nghiệp tiêu thụ chưa được coi là yếu tố hạt nhân, then chốt, dẫn đến việc tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả.

 

Để hạn chế tình trạng bị động, phụ thuộc trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến bị thương lái ép giá, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo liên kết chuỗi, điển hình như tỉnh Bắc Giang, Sơn La đã chủ động kết nối, mời thương lái, doanh nghiệp nước ngoài vào tận nơi sản xuất để thu mua, đóng gói vải, nhãn đáp ứng tốt yêu cầu của nước nhập khẩu.

 

Để đảm bảo cân đối cung cầu, cần đáp ứng nguyên tắc sản xuất gắn kết với thị trường theo hướng: tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường; tổ chức các hệ thống phân phối, thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại; liên kết nông dân bằng mô hình Hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải nâng cao sức canh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.

 

Trong bối cảnh đã được mở cửa thị trường tối đa về mặt thuế quan, xuất xứ hàng hóa như hiện nay, khi các giải pháp liên quan đến mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng hàng hóa như đã nêu trên phát huy tác dụng hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt được những bứt phá mới trong xuất khẩu, đóng góp ngày càng quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước, nhằm thiện thực hóa các lợi thế về đàm phán mở cửa thị trường mà Việt Nam đã nổ lực thực hiện trong thời gian qua, góp phần phát triển bền vững xuất khẩu nông sản của ta trong bối cảnh mới…

 

Đối với việc kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc vi phạm trong sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp:

 

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có mặt hàng vật tư nông nghiệp. Cụ thể như: Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu trong tình hình mới; Chỉ thị số 15/CT-TTg cua Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Kế hoạch về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng...

 

Mặt khác nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với mặt hàng phân bón, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Theo đó, quy định cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phân bón; Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và chính sách đối với sản xuất phân bón vô cơ; chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động buôn bán phân bón trên địa bàn...

 

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục duy trì, thực hiện nghiêm túc công tác rà soát các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra giấy phép sản xuất phân bón việc duy trì các điều kiện sản xuất, gia công phân bón; hồ sơ công bố hợp quy; việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng phân bón, về ghi nhãn, về hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc phân bón. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin, báo, đài phát thanh của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác kiểm tra kết hợp tuyên truyên nâng cao nhân thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cử công chức trực tiếp tới các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thực hiện ký cam kết không kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, giả, kém chất lượng.

 

Mặc dù lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng trong kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra trước diễn biến phức tạp trên thị trường. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, trong đó vi phạm về mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra, nhất là ở các vùng nông nghiệp lớn như Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Để góp phần hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhằm hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nông dân, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm sau:

 

Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị số 10/CT- BCT ngày 08/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tiếp tục tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phân bón vô cơ...

 

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, ghi nhãn, việc chấp hành các quy định về chất lượng, hoá đơn, nguồn gốc phân bón lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn việc kinh doanh phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

 

Chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuât, kinh doanh phân bón, góp phần ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

 

Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và nhân dân trong việc cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng để kiểm tra, xử ngay các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón./.

NGUYỄN NGUYỄN