Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri về việc tìm và khai thác thị trường nông sản

Ngày đăng 17/03/2020

Xem với cở chữ : A- A A+

Cử tri kiến nghị:

Câu chuyện mất mùa được giá, được giá mất mùa hay mất mùa mất giá, chất lượng, giá cả vật tư nông nghiệp là chủ đề mà cử tri thường xuyên nhắc đến với tâm trạng bức xúc và “ngõ cụt” khi thấy sự chuyển biến không rõ rệt, giá nông sản tiếp tục bấp bênh, người sản xuất mà không quyết định được giá cả; thị trường vật tự nông nghiệp biến động bất thường, chất lượng không có độ tin cậy cao. Cử tri đề nghị, các Bộ, ngành cần có phối hợp chặt chẽ, quyết tâm hơn nữa trong việc tìm và khai thác thị trường tiêu thụ ổn định, xây dựng quy hoạch nguồn cung cấp bền vững.

Ngày 05/3/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công văn số 1648/BNN-CBTTNS về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV như sau:

Để giảm thiểu rủi ro về giá, ổn định cung cầu, hạn chế tình trạng dư thừa hàng hóa nông sản trên thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất theo tín hiệu và nhu cầu thị trường; đàm phán mở cửa, tháo gỡ vướng mắc thị trường; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản trong và ngoài nước; đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, quản lý sản xuất theo chuỗi; cung cấp, cập nhật thông tin, dự báo thị trường các mặt hàng nông sản. Đồng thời, Bộ đang từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dự báo, khuyến cáo trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin dự báo cho Tổ điều hành thị trường trong nước hàng tháng, cập nhật thông tin khuyến cáo về sản xuất và thị trường tại ấn phẩm Thông tin thị trường nông sản phát hành hàng tháng tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng trên cả nước. Cụ thể:

Bộ đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất theo 03 nhóm sản phẩm: (1) Sản phẩm chủ lực quốc gia, (2) Sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, (3) sản phẩm là đặc sản của địa phương (theo mô hình mỗi xã một sản phẩm); đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất (VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn hữu cơ…) để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các thị trường; tiếp tục thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết để đẩy nhanh phát triển sản xuất lớn, sản xuất tập trung, sản xuất theo nhu cầu và có đầu ra ổn định.

Bộ đã cùng Bộ Công thương, các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu.

a) Đối với thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường thúc đẩy thương mại, xúc tiến quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các đoàn công tác, hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản – Hàn Quốc, Asean, Úc – New Zealand, Trung Đông). Cụ thể định hướng năm 2020 tập trung vào các mặt hàng và thị trường như sau: Trung Quốc (trái cây, sữa, thủy sản chất lượng cao, gạo, chè); EU (trái cây tươi, sấy khô, đông lạnh, thủy sản, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm chăn nuôi chế biến); Nhật Bản (vải, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài); Thái Lan, Malayxia (cá tra, thủy sản khác; Philippin (thịt gà, trứng, sữa, gạo, thanh long, bưởi, chanh…); Indonesia (gạo, cà phê, hoa quả, thủy sản chế biến); Myanmar (thịt gia cầm, thịt lợn, thủy sản nước ngọt và rau củ quả).

Cùng với đó, Bộ tiếp tục đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng, như: Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa); Hoa Kỳ (quả bưởi tươi); Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo); Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến); Myanmar (bưởi, xoài); Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa); Úc (tôm tươi, nhãn, chanh leo); New Zealand (chanh ta, chanh leo, vú sữa, nhãn, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít),…

b) Đối với thị trường trong nước

Trong năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức 03 Hội chợ lớn của ngành tại Hà Nội (Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Agroviet, Hội chợ Làng nghề Việt Nam và Hội chợ các sản phẩm thủy sản) và 03 Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP tại khu vực phía Bắc, Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương tổ chức quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản đặc sản, nông sản chủ lực của các vùng sản xuất trọng điểm (Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Hồng, miền núi phía Bắc) tại các thành phố lớn./.

 

Kim Yến