Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Trả lời ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh: Về chuyển đổi công năng Khu thương mại Tịnh Biên

Ngày đăng 22/05/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 12/5/2020 Ban Quản lý khu kinh tế có báo cáo số 772/BC-BQLKKT trả lời như sau:

1. Tình hình triển khai thực hiện:

Ngày 04/9/2018 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2136/QĐ-UBND về việc điều chỉnh cục bộ "Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên" thuộc Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030; trong đó điều chỉnh, bổ sung một phần chức năng về sử dụng đất khu thương mại dịch vụ từ khu thương mại phi thuế quan thành khu thương mại dịch vụ (không phi thuế quan) bao gồm: điểm dừng chân (khu vực nghỉ ngơi, chợ biên giới,…) khu tổ chức sự kiện (Trung tâm triển lãm giới thiệu hàng nông sản, hội chợ thương mại biên giới,…) khu vực thương mại dịch vụ (Nhà hàng, khách sạn, thương mại, dịch vụ,…), kho ngoại quan. Ban Quản lý Khu kinh tế đã tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp để thông báo về nội dung của Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 04/9/2018 của UBND tỉnh, để doanh nghiệp có định hướng chuyển đổi loại hình đầu tư cho phù hợp.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp với Cục Hải quan thực hiện rà soát hồ sơ của các doanh nghiệp hoạt động từ tháng 2/2009 đến tháng 10/2015, kết quả như sau:

Có 63 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong KTM Tịnh Biên, trong đó: có 41 doanh nghiệp không tồn đọng tài sản, hàng hóa và 22 doanh nghiệp còn tồn đọng tài sản, hàng hóa:

+ Đối với 41 doanh nghiệp không tồn đọng hàng hóa, tài sản: Ban Quản lý khu kinh tế ra thông báo đến các doanh nghiệp được phép hoạt động kinh doanh trở lại theo mô hình hoạt động đã được công bố tại Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 04/9/2018 của UBND tỉnh An Giang. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải có văn bản hoặc liên hệ về Ban Quản lý khu kinh tế để thông tin về loại hình hoạt động kinh doanh, để Ban Quản lý có ý kiến, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục có liên quan phục vụ cho việc hoạt động kinh doanh trở lại được phù hợp với quy hoạch mới của KTM Tịnh Biên

+ Đối với 22 doanh nghiệp còn tồn đọng tài sản, hàng hóa, thì có 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV XNK Mỹ Nhựt, Công ty TNHH Á Đông, Công ty TNHH TM DV Quốc Thông còn tồn đọng tài sản, hàng hóa với số tương đối lớn, còn đối với các doanh nghiệp còn lại số lượng tồn kho không đáng kể và đã gửi văn bản đề nghị được tiêu hủy số tài sản, hàng hóa còn tồn đọng do quá thời gian sử dụng và hư hỏng nặng không còn sử dụng được.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có phát sinh những vướng mắc về xử lý tài sản, hàng hóa còn tồn đọng của các doanh nghiệp trong KTM Tịnh Biên nên Cục Hải quan phải báo cáo Tổng Cục Hải quan (tại công văn số 1553/HQAG/NV ngày 1/7/2019 và công văn số 2347/HQAG-NV ngày 24/9/2019) để được hướng dẫn xử lý, đến ngày 25/2/2020 Tổng Cục Hải quan mới có công văn số 1073/TCHQ-GSQL hướng dẫn Cục Hải quan xử lý tài sản, hàng hóa tồn đọng của các doanh nghiệp trong Khu Thương mại.

Thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Cục Hải quan, Ban Quản lý khu thương mại Tịnh Biên đã phối hợp với Chi Cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên mời các doanh nghiệp còn tồn đọng hàng hóa nhưng muốn được xử lý tiêu hủy, đến nay đã thực hiện tiêu hủy hàng hóa của 14 doanh nghiệp, còn 08 doanh nghiệp (trong đó có 06 doanh nghiệp chưa liên hệ về Chi Cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên để xử lý số tài sản, hàng hóa còn tồn đọng và 02 doanh nghiệp xin được tái sử dụng lại số tài sản, hàng hóa).

2. Kết quả đạt được:

Kể từ khi Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 04/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành thì tình hình hoạt động của KTM Tịnh Biên đã có bước khởi sắc hơn, hiện nay đã có một số doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục liên quan và đang hoạt động kinh doanh trở lại. Một số khác đã liên hệ về Ban Quản lý khu kinh tế để được hướng dẫn các thủ tục liên quan để đủ điều kiện hoạt động trở lại, cũng như bổ sung thêm mục tiêu hoạt động phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Đồng thời, cũng có các nhà đầu tư tiềm năng đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư đăng ký đầu tư trong Khu Thương mại, Ban Quản lý đã rất chủ động hỗ trợ, cung cấp các thông tin về ngành nghề, chính sách, hiện trạng khu Khu thương mại,…để nhà đầu tư có đủ thông tin nghiên cứu.

Với thế mạnh là Khu thương mại gần cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên thuận tiện trong việc vận chuyển, tập kết hàng hóa qua lại cửa khẩu, do đó các loại hình đầu tư về hệ thống logistics là hết sức cần thiết. Mặt khác, các hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch cũng hết sức được quan tâm (trung tâm thương mại, nhà hàng,…). Vì vậy, trong thời gian tới Ban Quản lý Khu kinh tế đẩy mạnh công tác hỗ trợ các doanh đã đầu tư hoạt dộng trước đó có nhu cầu hoạt động trở lại, cũng như công tác mời gọi đầu tư các doanh nghiệp tiềm năng để phát huy mạnh mẽ lợi thế của khu vực này.

Tuy nhiên kể từ cuối năm 2019 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khiến thị trường kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, từ đó gây ngán ngại cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư hoạt động trở lại cũng như việc đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư mới.

3. Phương hướng:

- Ban Quản lý khu kinh tế tiếp tục phối hợp với Cục Hải quan liên hệ, mời (lần 2) 06 doanh nghiệp còn lại chưa liên hệ về Chi Cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên để xử lý số tài sản, hàng hóa còn tồn đọng để hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xử lý số tài sản, hàng hóa còn tồn đọng.

- Đối với 02 doanh nghiệp xin được tái sử dụng lại số tài sản, hàng hóa: đề nghị Cục Hải quan chủ trì phối hợp Cục thuế và các ngành liên quan sớm hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết để được tái sử dụng lại số tài sản, hàng hóa theo nguyện vọng của doanh nghiệp.

- Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục phối hợp cùng các Sở ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục cần thiết để đầu tư, hoạt động kinh doanh trở lại, từ đó góp phần phát triển kinh tế địa phương trong thời gian tới.

Kim Yến