Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh

Ngày đăng 13/07/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh về nội dung việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Công tác quản lý nhà nước trong thực hiện ký kết hợp đồng của doanh nghiệp và người nông dân. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:

Trong những năm qua, quan hệ sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân, tổ chức đại diện nông dân (HTX, tổ hợp tác) dần được thiết lập theo chuỗi giá trị phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Ngành nông nghiệp quan tâm phát triển loại hình HTX kiểu mới có sự tham gia của doanh nghiệp. Những mặt làm được của quan hệ sản xuất này cho kết quả ban đầu là có 50 doanh nghiệp triển khai liên kết sản xuất thường xuyên với khoảng 30 hợp tác xã và 44 tổ hợp tác. Qua các nỗ lực này, An Giang đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản; trong đó có nhiều Công ty, Tập đoàn lớn như: 

Responsive image

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

trả lời chất vấn

 

Tập đoàn TH: chuẩn bị đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa tại huyện Tri Tôn; Tập đoàn Tân Long: đang triển khai xây dựng hệ thống chế biến, kho chứa lúa gạo tại huyện Tri Tôn, đã tham gia thành lập HTX với nông dân địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, dự kiến 50.000 ha; Tập đoàn SunRice: có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu 10.000 ha lúa DS1 và hệ thống chế biến kho chứa lúa gạo tại An Giang; 04 doanh nghiệp đầu tư các vùng ương nuôi cá tra tập trung tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia Đề án cá tra 3 cấp: Tập đoàn Việt Úc (104 ha); Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú (600 ha, với 150ha ương giống); Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3 ha); Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi (350 ha).

Ngoài ra, có các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt việc liên kết tiêu thụ trong các năm qua như Công ty Angimex-Kitoku, Tập Đoàn Lộc Trời, Công ty Tấn Vương, Công ty Antesco, Công ty Chánh Thu, Tập đoàn Sao Mai.

Kết quả liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trên một số nông sản chủ lực của tỉnh như sau:

Lúa gạo: Kết thúc vụ Đông Xuân 2019-2020, có 20 doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lúa với nông dân, hợp tác xã trên diện tích 16.184ha. Vụ Hè thu 2020, có 30 doanh nghiệp thực hiện liên kết với diện tích khoảng 25.000 ha. Ngành Nông nghiệp đang tập trung hỗ trợ Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc trời, Công ty CP Tập đoàn Tân Long thành lập mới các HTXNN và thực hiện việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Ngoài ra cũng đã hỗ trợ thành lập mới 08 HTX tại các huyện Tri Tôn, Châu Đốc, Long Xuyên, An Phú.

Xoài: Đã cấp 34 mã số vùng trồng (code) trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 972 ha, Diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 538ha. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các Doanh nghiệp như: Công ty XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit để liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân phục vụ xuất khẩu vào một số thị trường như Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc.

Cá tra: Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng vùng nuôi hoặc liên kết với hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó, diện tích vùng nuôi của các doanh nghiệp và có liên kết với doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 83%. Phần còn lại Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp các Sở ngành, địa phương hỗ trợ để có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Chăn nuôi: hiện có Công ty Cổ phần CP thực hiện liên kết tiêu thụ với các hộ nuôi, trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, trong đó: Heo: 7.900 con; gà thịt: 137.000 con.

Đối với công tác quản lý nhà nước trong thực hiện ký kết hợp đồng của doanh nghiệp và người nông dân:

Sở Nông nghiệp và PTNT đã có phối hợp cùng Sở Công Thương và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2333/QĐ-UBND ngày 18/8/2016 về việc ban hành Hợp đồng mẫu liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang. Như vậy, các bên tham gia liên kết có thể sử dụng nội dung hướng dẫn này để ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên tham gia; nội dung hợp đồng có UBND cấp xã chứng thực, khi xảy ra tranh chấp sẽ có căn cứ để hòa giải hoặc xử lý tranh chấp tại Tòa án theo nội dung hợp đồng.

Ngoài ra, nhẳm hỗ trợ nông dân, HTX và tổ hợp tác trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng đúng các quy định của pháp luật; Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện một số giải pháp như: Phổ biến tài liệu “Sổ tay hướng dẫn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” cho các đối tượng là nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó có các mẫu hợp đồng thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản; Hàng năm đều tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị tuyên tuyền nhằm nâng cao năng lực về chủ đề thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đều khắp cho đối tượng tham gia chuỗi.

Đối với nôi dung thứ hai, hiện nay tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, thuốc cá vẫn còn xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Đề nghị báo cáo tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; giải pháp, biện pháp chế tài phù hợp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế tối đa tình trạng trên”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:

Công tác kiểm tra khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chuyên ngành thủy sản. Do đó, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng năm, Sở Nông nghiệp & PTNT còn thực hiện phối hợp với địa phương và các đơn vị có liên quan để tăng cường công tác kiểm tra khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp & PTNT và Công an tỉnh cũng đã có Kế hoạch liên tịch kiểm tra việc chấp hành các quy định nhà nước trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện đã triển khai 119 đợt kiểm tra khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các điểm nóng về khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm. Kết quả: đã phát hiện và xử phạt 03 trường hợp với tổng số tiền phạt là 39.000.000 đồng và tịch thu các tang vật vi phạm. Đồng thời các huyện cũng đã thực hiện tuyên truyền với các ngư dân yêu cầu các ngư dân tự nguyện giao nộp công cụ kích điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Tuy nhiên, tình hình khai thác thủy sản bằng xung điện, hóa chất hiện nay vẫn còn xảy ra. Điều này, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của nhiều giống loài thủy sản tự nhiên, hủy diệt nguồn lợi thủy sản là do các ngư dân khai thác tìm nhiều cách để trốn tránh lực lượng tuần tra kiểm tra và chuyển sang khai thác thủy sản ban đêm, đồng thời sử dụng thông tin liên lạc (điện thoại) nhằm thông tin cảnh báo với nhau trong quá trình khai thác thủy sản để trốn tránh cơ quan chức năng khi kiểm tra nên việc phát hiện và xử lý gặp khó khăn.

Giải pháp triển khai thực hiện thời gian tới:

Tiếp tục phối hợp với phòng Cảnh sát Môi trường (PC08), phòng Cảnh sát Đường thủy (PC05B) - Công an tỉnh và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các tuyến sông, xử lý nghiêm các vụ vi phạm trong khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm. Tăng số đợt kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào những ngày cuối tuần (thứ 7 và chủ nhật). Tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng nhiều hình thức. Cùng các địa phương tiếp tục tổ chức cho các ngư dân ký cam kết không khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm, giúp các địa phương quản lý ngư dân được tốt hơn.  

Cung cấp đường dây nóng cấp tỉnh và các huyện để người dân phản ánh kịp thời các hành vi khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm đến cơ quan chức năng, trên cơ sở đó cơ quan chức năng sẽ kịp thời tiến hành ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đề nghị cử tri khi phát hiện các trường hợp vi phạm thì hỗ trợ báo ngay về số điện thoại đường dây nóng là 0918.499.962

Đối với địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp tục thực hiện kế hoạch phối hợp kiểm tra khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giữa 03 tỉnh nhằm tránh tình trạng ngư dân sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản khi phát hiện đoàn kiểm tra của tỉnh này sẽ chạy trốn qua địa bàn tỉnh khác.

Xử lý nghiêm những ngư dân có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, theo đúng Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính Phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đối với nội dung, đề nghị báo cáo việc xử lý giải thể, sáp nhập các Hợp tác xã yếu kém, chưa phù hợp với quy định của Luật HTX 2012; Giải pháp để nâng chất hoạt động của các HTX

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 151 HTX Nông nghiệp, trong đó, có 10 HTXNN phải giải thể bắt buộc. Các sở ngành cấp tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tuy nhiên theo quy định pháp luật đòi hỏi phải tuân thủ theo trình tự nhất định. Các Huyện đang rất tích cực thực hiện theo quy trình giải thể, cụ thể:

Huyện Châu Phú: Còn 02 HTX đều gặp vướng trong việc xử lý nợ, ngày 29/6/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1281/SKHĐT-DN hướng dẫn thực hiện thủ tục giải thể, phá sản HTX theo quy định pháp luật. Hiện địa phương đang triển khai thực hiện.

Huyện Châu Thành: Còn HTX NN Thuận Tiến, ngày 29/4/2020 Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn hướng dẫn số 838/SKHĐT-DN, Sở Tài chính có Công văn số 1096/STC-TCDN-THTK ngày 06/5/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 779/SNNPTNT-CCPTNT ngày 07/5/2020 về việc hướng dẫn xử lý tài sản. Hiện địa phương đang triển khai thực hiện.

Huyện Thoại Sơn: 02 HTX. Hiện đang thực hiện thủ tục thanh lý tài sản trước khi đăng thông tin giải thể; TP Châu Đốc: Còn HTX Châu Long đã đăng báo 03 kỳ liên tiếp, đang thực hiện thủ túc xóa tên trên hệ thống; Huyện Tri Tôn: 02 HTX. (1) HTX DV-TM Quyết Tiến chỉ còn vướng nợ thuế (nợ gốc 30 triệu đồng) đang chờ văn bản trả lời việc xóa nợ của Tổng cục Thuế để hoàn tất thủ tục giải thể; (2) HTX Thuận Điền đang hoàn chỉnh hồ sơ giải thể tự nguyện; Huyện Chợ Mới: 02 HTX. (1) HTX Phước Thạnh đang xử lý nợ tiền đầu tư trạm bơm điện; (2) HTX Cù Lao Giêng đang thực hiện thủ tục xóa tên.

Hiện nay UBND tỉnh cũng đã có Thông báo số 256/TB-VPUBND ngày 9/6/2020,  yêu cầu các địa phương có 10 HTXNN yếu kém khẩn trương xử lý việc giải thể các HTXNN yếu kém theo đúng quy định. Các Sở ngành theo chức năng nhiệm vụ hỗ trợ tháo gỡ, xử lý các khó khăn vướng mắc, trong trường hợp vượt thẩm quyền, phải có văn bản đề xuất thống nhất gởi về UBND tỉnh xử lý. Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tiếp tục phối hợp các Sở ngành để hỗ trợ, đôn đốc các địa phương trong việc hoàn tất thủ tục giải thể các HTX nêu trên trong năm 2020.

Giải pháp để nâng chất hoạt động của các HTX nông nghiệp:

Hiện nay, qua phân loại các HTXNN trên địa bàn cho thấy trong 151 HTX NN có 16 HTX tốt, 36 HTX khá, 56 HTX trung bình, 03 HTX yếu (giảm 8 so với năm 2019) và 40 HTX không xếp loại (trong đó có 10 HTX đang hoàn tất thủ tục giải thể giải thể bắt buộc và 30 HTX mới thành lập chưa đủ thời gian phân loại. Để nâng chất chất hoạt động của các HTX nông nghiệp trong thời gian tới, Ngành Nông nghiệp đề ra một số giải pháp sau:

Nâng cao năng lực đội ngũ quản lý nhà nước, nguồn nhân lực quản lý điều hành trực tiếp của HTXNN.

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý Nhà nước về HTXNN cho cán bộ nòng cốt cấp huyện, xã và lực lượng kỹ thuật viên ngành Nông nghiệp đang làm việc tại xã; Vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào các HTX nông nghiệp tại địa phương nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi có đất sản xuất để tăng nguồn lực về vốn, về kinh nghiệm tại chỗ cho HTX;

Nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý, điều hành HTXNN thông qua chính sách đào tạo căn bản từ sơ cấp đến đại học (hỗ trợ 100% học phí), qua việc hỗ trợ ban đầu nhân sự có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên về làm việc có thời hạn tại HTXNN. Đặc biệt là đội ngũ nhân sự do các doanh nghiệp tăng cường tham gia điều hành hoạt động tại các HTXNN có sự tham gia của doanh nghiệp.

Phối hợp Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II, các dự án hỗ trợ phát triển HTXNN tổ chức lớp đào tạo Giám đốc hợp tác xã cho các nhân sự về làm việc tại các HTXNN theo Kế hoạch số 384/KH-UBND ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh và các HTXNN khác trên địa bàn có nhu cầu đào tạo chức danh giám đốc HTX, dự kiến sẽ tổ chức thực hiện vào quý 3/2020 và quý 4/2020 cho khoảng 100 học viên, người sẽ trực tiếp làm giám đốc HTX ngay sau khóa học.

Thành lập mới HTX nông nghiệp, nâng chất HTX hiện có theo hướng có sự đầu tư và tham gia trực tiếp của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, Tập đoàn Lộc Trời, UBND huyện, thị xã, thành phố lựa chọn các Tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, các nhóm nông dân tiềm năng để vận động thành lập HTXNN theo kế hoạch năm 2020 của cấp huyện và các doanh nghiệp có tiềm năng, để tuyên truyền vận động thành lập mới ít nhất 50 HTXNN có sự tham gia của Tập đoàn Lộc Trời trong vận hành HTXNN, thực hiện dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp đồng bộ và liên kết tiêu thụ nông sản và Tập đoàn Tân Long dự kiến thành lập 5 HTX trong năm 2020.

Vận động thành lập HTX, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương tham gia thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, đảm bảo năm 2020 có ít nhất 02 HTXNN tham gia Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”;

Đối với những huyện có hợp tác xã được chọn tham gia thí điểm theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo cuối năm 2020 các HTXNN này trở thành HTXNN điểm của huyện và nhân rộng cho các HTXNN khác áp dụng.

UBND cấp huyện chủ động mời gọi các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của HTXNN; Trực tiếp điều hành việc thành lập HTXNN có doanh nghiệp tham gia; nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng dịch vụ, tăng số lượng vốn góp và thành viên của HTXNN.

Khuyến khích các HTXNN có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô và tiềm lực vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động; HTXNN gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ với HTXNN khác hoạt động cùng lĩnh vực để tạo quy mô lớn về sản lượng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh trên thị trường.

Tập trung hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Các huyện tập trung vào 08 nhóm sản phẩm nông nghiệp được quy hoạch sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, chọn HTXNN hoạt động có hiệu quả để thúc đẩy tham gia sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Tập trung hỗ trợ các HTXNN hoạt động hiệu quả để phát triển vượt trội hơn, chọn một số HTXNN quy mô lớn có gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ để hỗ trợ, đảm bảo đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 15 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực các HTXNN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển: Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTXNN về đào tạo bồi dưỡng, trả lương nhân sự về HTXNN làm việc, thành lập mới, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…

NGUYỄN NGUYỄN