Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri Về quan tâm hỗ trợ khám sức khỏe cho người có công mỗi năm một lần.

Ngày đăng 02/12/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ khám sức khỏe cho người có công mỗi năm một lần.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

1. Chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân, do ngành LĐTBXH thực hiện, bao gồm:

- Khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, quy định: người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tuỳ từng đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi “Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;

- Điểm a Khoản 3 Điều 53 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định mức chi điều dưỡng đối với người có công với cách mạng: “Điều dưỡng tập trung là 2.220.000 đồng/người/lần”; “Điều dưỡng tại gia đình là 1.110.000 đồng/người/lần”;

- Điều 4 Mục I Chương II Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng, quy định “Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe”;

Hàng năm, tỉnh An Giang thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo quy định trên 3.500 người có công và thân nhân. Các ngành, các cấp luôn chú trọng công tác này, quan tâm tạo điều kiện, nâng cao chất lượng điều dưỡng, phục hồi sức khỏe của người có công với cách mạng.

2. Bảo hiểm y tế:

Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định 100% người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và một số đối tượng khác được Nhà nước cấp thẻ Bảo hiểm y tế (trừ diện bảo hiểm y tế bắt buộc). Như vậy, người có công với cách mạng đều được sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật của Nhà nước thông qua các cơ sở y tế. Theo đó, khi người có công có nhu cầu về thăm khám sức khỏe, chữa trị bệnh tật, có thể chủ động đến các cơ sở y tế theo đăng ký ban đầu ghi trong thẻ Bảo hiểm y tế, hoặc xin chuyển tuyến trên theo quy định.

Đối với ý kiến của cử tri “Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ khám sức khỏe cho người có công mỗi năm một lần”, không thuộc trách nhiệm của ngành LĐTBXH. Tuy nhiên, Sở LĐTBXH sẽ tiếp nhận, có dịp đề xuất đến ngành Y tế, UBND cấp huyện xem xét, nghiên cứu theo thẩm quyền./. 

Kim Yến