Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Thẩm tra tình hình kinh tế - ngân sách năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2020

Ngày đăng 11/12/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Chiều 09/12/2019, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - ngân sách năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2020 trình tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy:
Responsive image
 

Năm 2019, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi nhưng là năm mà tỉnh nhà đạt được kết quả khả quan, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu được HĐND tỉnh đề ra, ước đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Kinh tế tiếp tục ổn định, tổng sản phẩm GRDP ước đạt 7,02% cao nhất trong 05 năm trở lại đây; tình hình thu ngân sách đạt dự toán HĐND tỉnh giao, giá trị giải ngân vốn đầu tư xây dựng cao hơn so củng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có chuyển biến, chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển. Hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, gắn liền với kết quả tích cực từ việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Đạt được các kết quả này là nhờ sự quan tâm sâu sát, tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ban kinh tế - ngân sách cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được trong năm 2019. Tuy nhiên, nhận thấy vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như sau:

Mặc dù tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong 05 năm trở lại đây nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 04 năm chỉ đạt 5,3%, chưa đạt theo kế hoạch của giai đoạn 2016 - 2020; tăng trưởng khu vực I đạt 2,65% nhưng đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá cả các mặt nông sản và thủy sản còn nhiều bấp bênh; tình trạng được mùa mất giá gây rất nhiều khó khăn trong đời sống, sản xuất của người dân. Công tác dự báo cung cầu chưa gắn định hướng sản xuất; việc tổ chức lại sản xuất còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả rõ rệt; vấn đề phát triển kinh tế tập thể chưa đạt được hiệu quả cao. Việc sáp nhập, giải thể các HTX yếu kém chưa được thực hiện dứt điếm; mô hình cánh đồng mẫu lớn đang chựng lại và có nguy cơ sụt giảm. Việc khai thác lợi thế về vị trí địa lý và kinh tế biên mậu còn nhiều hạn chế, chưa có sản phẩm thiết yếu của tỉnh tham gia xuất khẩu góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách…

Tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi, nhất là bệnh dịch tả heo Châu Phi đã làm cho người dân chưa thực sự yên tâm tái đàn phục hồi sản xuất, gây ra tình trạng thiếu hụt thực phẩm kéo theo tình trạng tăng giá đột biến, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng; thời tiết không thuận lợi, hạn hán xuất hiện sớm; tình hình sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp ở một số địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống; việc khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra, công tác quản lý khoáng sản chưa thực sự hiệu quả; hoạt động “tín dụng đen” vẫn còn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tác quản lý hoạt động này còn nhiều bất cập...

Từ những vấn đề trên, Ban kinh tế - ngân sách nhận thấy cần thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ hơn các vấn đề trên nhằm có những giải pháp tích cực để công tác chỉ đạo, điều hành đạt hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời đề nghị quan tâm một số nội dung đã được nêu ở phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết về kinh tế - xã hội và kiến nghị một số nội dung sau:

Có giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường. Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất dựa vào lợi thế so sánh; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, định hướng sản xuất cho người dân đáp ứng nhu cầu thực tế; có giải pháp hạn chế tình trạng sản xuất, nuôi trông tự phát không gắn với thị trường tiêu thụ. Tập trung xử lý dứt điểm việc giải thể, sáp nhập các HTX yếu kém, chưa phù hợp với quy định của Luật HTX 2012 trong năm 2020. Tiếp tục triển khai mô hình cánh đồng lớn; có giải pháp hỗ trợ hiệu quả, khơi thông tiềm năng kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có các chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp cho các cá nhân, tổ chức trong việc ứng dụng chuyển giao các đề tài khoa học công nghệ.

Trong chi đầu tư, cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản còn lại chưa thanh toán, vốn cho các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2020; ưu tiên bố trí vốn thu hồi vốn ứng trước, đầu tư cho các chương trình mục tiêu đã được phê duyệt nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kiên quyết điều chỉnh vốn của các dự án không triên khai hoặc chậm triên khai để tập trung cho các dự án có khả năng giải ngân cao.

Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tập trung xử lý, thu hôi nợ đọng thuế, khai thác tốt nguồn thu tránh xảy ra tình trạng thất thu; bảo đảm thực hiện giải ngân đúng tiến độ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả...

Kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng và giao thông. Chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai và khai thác khoáng sản.

Tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thời tiết, khí hậu, sạt lở bờ sông, chủ động xây dựng phương án ứng phó. Chủ động các phương án cung cấp thực phẩm, nguồn hàng thiết yếu và có giải pháp bình ổn giá các mặt hàng cho thị trường Tết Nguyên Đán năm 2020./. 

NGUYỄN NGUYỄN