Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên

Ngày đăng 13/09/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, thành phần mời tham dự có các vị đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh An Giang, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành tỉnh và một số chuyên gia, Đại tá Chau Chắc – Chính ủy Trường Quân sự An Giang, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ĐBQH tỉnh An Giang chủ trì hội nghị.
Responsive image
 

Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nam khóa IX thông qua ngày 27/8/1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 09/9/1996. Sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên (DBĐV) nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV, như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản QPPL tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng DBĐV là hết sức cần thiết.

Tại Hội nghị đa số đại biểu thống nhất dự thảo Luật, bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị cần khái niệm rõ hơn “Phương tiện kỹ thuật dự bị” hoặc thay đổi là “Phương tiện kỹ thuật được huy động” sẽ phù hợp hơn; cần có quy định cụ thể, chi tiết về việc huy động phương tiện kỹ thuật trong trường hợp người có quyền sử dụng nhưng không có quyền sở hữu để tránh tranh chấp quyền lợi sau này; đề nghị quy định về hỗ trợ chi trả các khoản thu nhập trong thời gian huy động phương tiện kỹ thuật thay vì là “bồi thường thiệt hại”; một số đại biểu góp ý về bố cục, câu từ của dự thảo…

Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên có 5 chương, 43 điều sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8 được khai mạc vào tháng 10 tới đây.

Nguyễn Linh