Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Ban Văn hóa - xã hội hoàn thành khảo sát, giám sát trước kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ngày đăng 22/07/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Đoàn khảo sát, giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh do ông Lê Tuấn Khanh - Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát, giám sát qua văn bản đối với Ủy ban nhân dân (UBND) xã An Cư (huyện Tịnh Biên), UBND xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.

Nội dung khảo sát, giám sát về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mức chi hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Thời gian qua công tác giảm nghèo nói chung và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và tham gia phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp.

Các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh đã được triển khai thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng nội dung, đối tượng, mức hỗ trợ theo quy định. Việc khảo sát, chọn địa bàn, xây dựng dự án, mô hình, đối tượng tham gia dự án, công tác thẩm định, phê duyệt dự án được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ.

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được lồng ghép với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khác, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển đổi nhận thức của người dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Kết quả giai đoạn 2018 - 2020, tổng kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế là 26.517 triệu đồng; trong đó ngân sách nhà nước là 19.108 triệu đồng, vốn dân tham gia đóng góp là 6.926 triệu đồng, vốn lồng ghép là 483 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức, triển khai thực hiện 126 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2.018 đối tượng nghèo (trong đó có 833 đối tượng nghèo là người dân tộc thiểu số), với tổng kinh phí 26.256 triệu đồng, đạt 98,63% chỉ tiêu kế hoạch vốn ngân sách. Sau 03 năm triển khai thực hiện các dự án đã giúp cho 1.204/2.018 hộ tham gia dự án được thoát nghèo, cận nghèo, đạt tỷ lệ 59,66% tổng số hộ tham gia.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện 18 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 với 414 hộ tham gia, với tổng kinh phí là 5.469,52 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ là 4.163,52 triệu đồng, các hộ dân tham gia đóng góp là 1.016 triệu đồng, vốn vay ngân hàng là 290 triệu đồng. Đến nay, các dự án đều đã thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao theo đúng tiến độ. Qua đó, có 297/414 hộ tham gia mô hình thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững sau khi thực hiện mô hình, đạt tỷ lệ 71,74%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135, giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như sau: Các dự án, mô hình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu, điều kiện sản xuất, thế mạnh của từng địa phương; đa số các hộ tham gia các dự án, mô hình có hoàn cảnh khó khăn, khả năng đối ứng vốn thấp; một số hộ còn vướng nợ xấu nên không thể vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất, chủ yếu là sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ; thị trường đầu ra của các sản phẩm còn khó khăn, giá cả thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Qua đó, Đoàn khảo sát, giám sát kiến nghị:

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh:

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo các địa phương khi xây dựng dự án phải lấy ý kiến từ người dân về nhu cầu cần hỗ trợ; từ đó xác định loại cây trồng, vật nuôi, danh mục hỗ trợ cần thiết để xây dựng kế hoạch, nội dung hỗ trợ hàng năm và cho cả giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tiếp tục tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ làm chuồng trại đối với các dự án, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Phát huy vai trò của ngành nông nghiệp trong việc quản lý, giám sát, đánh giá và thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc lĩnh vực ngành chủ trì, quản lý.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các nội dung của các dự án, tiểu dự án theo từng địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đạt kết quả cao.

Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh:

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; phát huy và nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân, đặc biệt là các hộ tham gia các mô hình giảm nghèo.

Lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn, chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn với việc triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo.

Tăng cường phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay.

Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương.

Hướng dẫn UBND cấp huyện, xã tổ chức thực hiện công tác kiểm tra và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình giảm nghèo theo quy định.

Đối với Ban Dân tộc tỉnh:

Tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh:

Đánh giá sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mức chi hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135, giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường giám sát, phối hợp trong việc triển khai, nhân rộng các mô hình giảm nghèo; tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách giảm nghèo; xác định rõ trách nhiệm, người nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo là chính, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội./.

Bảo Giang