Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát việc thực hiện Chính sách pháp luật về thư viện

Ngày đăng 05/04/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Để chuẩn bị thẩm tra Dự án Luật Thư viện sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ 7, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào tháng 5/2019.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thành lập Đoàn khảo sát, giám sát việc thực hiện Chính sách pháp luật về thư viện. Cụ thể Đoàn đã làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức khảo sát thực tế tại một số tỉnh thành; tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia; bên cạnh đó cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về các vấn đề thuộc phạm vi khảo sát.

 

Kết quả, Pháp lệnh thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực từ ngày 01/4/2001 là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động thư viện. Cùng với pháp lệnh, theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay có khoảng hơn 50 văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và gần 200 văn bản của các địa phương đã tạo hành lan pháp lý cho hoạt động thư viện đi vào nề nếp.  Tuy nhiên sau 18 năm thi hành, Pháp lệnh và hệ thống văn bản hướng dẫn về thu viện đã bộc lộ nhiểu khó khăn, bất cập…Các văn bản về thư viện chủ yếu điều chỉnh hệ thống thư viện công cộng; các văn bản liên quan đến thư viện chuyên ngành, đa ngành còn ít, lại chưa cập nhật, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước và hoạt động của hệ thống thư viện chuyên ngành ở nước ta… Một số quy định không phù hợp thực tiễn; quy định về mức kinh phí ngoài ngân sách mua thêm sách/mỗi học sinh hằng năm thấp so với thực tiễn thị trường sách hiện nay.

 

Qua khảo sát thực tế, việc đầu tư ngân sách cho hệ thống thư viện chưa được quan tâm đồng đều, nhất là với hệ thống thư viện công cộng, mức đầu tư còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động thư viện…Công tác xã hội hóa hoạt động thư viện đã đạt được một số kết quả nhất định, thu hút được sự tham gia đóng góp của các tổ chức cá nhân đối như: hỗ trợ vốn tài liệu, trang thiết bị, kinh phí đầu tư... Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, hiện cả nước có gần 60 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhân dân.

 

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa hoạt động thư viện còn manh mún do thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn tham gia; chính sách còn chung chung chưa đi vào thực tiễn; chính quyền một sổ địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho các thư viện tư nhân hoạt động và tiếp cận các nguồn tài trợ. Không ít trụ sở thư viện tỉnh còn chật hẹp, trang thiết bị lạc hậu nhưng chưa được đầu tư nâng cấp trụ sở và thay mới trang thiết bị. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cho thư viện tỉnh còn nhỏ giọt, kinh phí ít, thời gian kéo dài, không đông bộ. Đối với thư viện tuyến huyện, trừ số lượng rất ít có trụ sở riêng, đa số thư viện huyện là nhà cấp 4, chật chội, không bảo đảm diện tích phòng đọc, kho bảo quản, phải chung trụ sở với cơ quan, đơn vị khác không phù hợp với chức năng thư viện.

 

 

Qua khảo sát giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Luật trong thời gian tới: Chính sách Nhà nước đầu tư phát triển thư viện cần có trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở xác định đối tượng và hoạt động thư viện cụ thể cần được đầu tư để quy định có tính khả thi, phù hợp điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Trong đó, cần có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng thư viện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; chính sách xã hội hóa, chính sách ưu đãi để khuyến khích, tạo điều kiện cho thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng phát triển. Công tác quản lý nhà nước về thư viện chưa thực sự hiệu quả, quản lý nhà nước về thư viện đổi với hệ thống thư viện trường học thậm chí bị buông lòng trong nhiều năm, làm ảnh hưởng hiệu quả hoạt động của loại hình thư viện này và gây lãng phí ngân sách. Đây là một bất cập cần được quan tâm điều chỉnh tại Dự thảo Luật.

 

Phân loại thư viện là cơ sở để phát triển hệ thống thư viện, áp dụng các chính sách ưu đãi và thực hiện quản lý nhà nước về thư viện. Do vậy, cần có đánh giá về tính hợp lý của quy định và hiệu quả việc thực hiện Pháp lệnh về phân loại thư viện; đồng thời tham khảo cách phân loại thư viện trên thế giới để có quy định phù hợp với đặc điểm hệ thống thư viện Việt Nam tại Dự thảo Luật. Tổ chức hệ thống thư viện cấp huyện và thư viện cơ sở có nhiều bất cập; hoạt động của hệ thống thư viện công cộng nói chung, thư viện cấp huyện, thư viện cơ sở nói riêng kém hiệu quả. Thực trạng này cần được đánh giá, làm rõ nguyên nhân để có quy định điều chỉnh trong Dự thảo Luật để khắc phục bất cập, phát huy vai trò của hệ thống thư viện này trong thời gian tới.

 

Dự thảo Luật cần quy định cụ thể về mục đích, hình thức, phương thức, điều kiện liên thông thư viện, quyền và trách nhiệm của các thư viện thực hiện liên thông, việc thực hiện pháp luật về sở hữu trí tuệ trong liên thông thư viện để khắc phục bất cập nêu trên. Nguồn nhân lực trong hoạt động thư viện hiện chưa đồng đều về trình độ, năng lực; tỷ lệ cán bộ thư viện không có chuyên môn ngành thư viện, chuyên ngành công nghệ thông tin còn nhiều, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện. Dự thảo Luật cần có quy định phù hợp điều chỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thư viện.

 

 

Qua đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thư viện, đảm bảo đồng bộ, thống nhất; tăng cường hoạt động giám sát, kịp thời chỉ ra hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thâm quyền để có kiến nghị nhằm khắc phục tồn tại trong lĩnh vực thư viện.

 

Kiến nghị Chính phủ, tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quản lý hoạt động thư viện, đặc biệt là công tác phối hợp với Bộ GDĐT trong quản lý hệ thống thư viện nhà trường; Chỉ đạo đánh giá tác động của một số chính sách trong hoạt động thư viện như: chính sách ưu tiên giải quyết xây dựng thư viện; chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu tài liệu thư viện, trang thiết bị, máy móc chuyên dùng trong lĩnh vực thư viện, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ người khuyết tật; chính sách xã hội hóa hoạt động thư viện; xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng thư viện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn…

 

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, cần quan tâm cấp đủ, cấp đúng ngân sách dành cho hệ thống thư viện công cộng, đảm bảo công bằng so với các ngành trong lĩnh vực văn hóa - thông tin. Thực hiện nghiêm quy định về ưu tiên giải quyết đất xây dựng thư viện, đảm bảo thuận tiện cho người đọc, đảm bảo cảnh quan, môi trường văn hoá. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho hoạt động thư viện, tạo điều kiện cho thư viện phát triển. Chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ phụ cấp độc hại, chế độ bồi dưỡng theo hiện vật cho cán bộ làm công tác thư viện./.

NGUYỄN NGUYỄN