Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời kiến nghị của cử tri về tăng nguồn lực đầu tư cho An Giang

Ngày đăng 26/03/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 30/12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 8815/BKHĐT-TH trả lời kiến nghị của cử tri An Giang gửi tới trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri An Giang có ý kiến:

An Giang được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm, vựa thóc lớn nhất cả nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đó là đảm bảo an ninh lương thực toàn quốc nhưng chất lượng cuộc sống của người dân An Giang với mức độ trung bình so với bình quân cả nước, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn do giá nông sản bấp bênh, tiêu thụ không ổn định, các thiết chế văn hóa xã hội thiếu thốn, kết cấu hạ tầng kém và thiếu đồng bộ,… Mặc dù đảm nhận vai trò lớn như vậy nhưng nguồn lực đầu tư vào An Giang rất hạn chế, nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào nông nghiệp, các ngành công nghiệp kém phát triển, một phần là do giữ diện tích trồng lúa nước theo yêu cầu còn nhiều, thiếu diện tích đất để thực hiện các dự án kinh tế. Cử tri kiến nghị quan tâm cung cấp nguồn lực nhiều hơn cho An Giang tương xứng với vai trò trên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Trong các năm qua và thời gian tiếp theo, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, dành nguồn lực để hỗ trợ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh An Giang nói riêng để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Cụ thể:

- Về nguồn lực hỗ trợ:

+ Vốn trong nước: Giai đoạn 2021-2025, theo quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương theo tiêu chí tính điểm, sẽ có cơ chế bố trí ngân sách trung ương để hỗ trợ đầu tư cho các dự án quan trọng, liên kết vùng của các địa phương.

+ Vốn nước ngoài (nguồn vốn ODA): thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/9/2019 về phát triển vùng ĐBSCL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các nhà tài trợ xây dựng khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó phối hợp với tỉnh An Giang để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng hoặc các dự án thủy lợi quy mô lớn, có tác động lan tỏa trong tỉnh và cả vùng, phục vụ phát triển nông nghiệp.

- Về cơ chế chính sách: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025. Đây là điểm đổi mới, đột phá về cơ chế điều phối vùng, gắn với các nhiệm vụ cụ thể, các giải pháp về liên kết theo ngành, lĩnh vực cụ thể cũng như các giải pháp huy động nguồn lực. Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 783/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các cơ chế điều phối và quy hoạch trên là cơ hội để tỉnh An Giang phối hợp, liên kết với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương khác để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhằm khơi thông nguồn lực để phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng./.

Nguyễn Linh