Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Ngày đăng 21/06/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi gấm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.

Ngày 17/6/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh có báo cáo số 1440/BC-SLĐTBXH, báo cáo kết quả thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri như sau:

 

Cử tri xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ khám sức khỏe cho người có công mỗi năm một lần.

Quy định pháp luật liên quan đến công tác chăm lo sức khỏe người có công với cách mạng chủ yếu thông qua thẻ bảo hiểm y tế và chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe.

Đối với chế độ bảo hiểm y tế: Hiện nay, tất cả người có công với cách mạng tỉnh An Giang đều được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (trừ diện bảo hiểm y tế bắt buộc). Theo đó, khi người có công bệnh, đến cơ sở y tế nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, sẽ được khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Đối với chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe: ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đảm bảo thực hiện đúng, đủ đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo quy định, cụ thể: người tham gia đi điều dưỡng tập trung là 2.220.000 đồng/người/niên hạn; người đăng ký điều dưỡng tại gia đình là 1.110.000 đồng/người/niên hạn (sử dựng nguồn kinh phí Trung ương thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng).

Cử tri thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn: Đề nghị các ngành chức năng của tỉnh có ý kiến với ngành BHXH trong việc cải cách thủ tục hành chính chính về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người công với cách mạng.

Tại khoản 1, Điều 6, Thông tư số 30/2019/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2019 hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, quy định: người có công, thân nhân người có công (thuộc diện được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đến UBND cấp xã nơi cư trú đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế, xuất trình giấy tờ công nhận người có công (giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh, thẻ gia đình liệt sĩ, quyết định trợ cấp,...).

Chủ tịch UBND cấp xã ký danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người có công và gửi về phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tổ chức thẩm định, rà soát, kiểm tra. Trường hợp đúng đối tượng quy định, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng.

Như vậy, thủ tục hành chính thực hiện bảo hiểm y tế hiện nay đối với người công với cách mạng đã được đơn giản, người có công chỉ cần đưa giấy tờ minh chứng diện người có công với cách mạng, còn lại do các cơ quan nhà nước thực hiện, tính từ lúc tiếp nhận thông tin của người có công đến lúc có thẻ bảo hiểm y tế thì thời gian không quá 20 ngày theo quy định.

Cử tri xã An Hảo, huyện Tịnh Biên: Thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Người cao tuổi), sẽ áp dụng cho người từ đủ 80 tuổi trở lên. Do dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa, dự báo thời gian tới tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam chiếm tỷ lệ đáng quan tâm, do đó để góp phần bảo đảm đời sống của Người cao tuổi, bà con cử tri xã An Hảo mong muốn các ngành chức năng tỉnh đề nghị về Trung ương quan tâm xem xét hạ thấp độ tuổi hưởng trợ giúp xã hội đối với Người Cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Ngày 15/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 (gọi là Nghị định số 20/2021/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đã mở rộng thêm nhóm Người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, như sau:  “Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn”.

Để triển khai chính sách đúng theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện xây dựng và hoàn thiện các dự thảo tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh An Giang (kèm Tờ trình số 1370/TTr-SLĐTBXH ngày 10/6/2021 của Sở Lao động – TBXH).

Cử tri xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên:Hiện nay trên địa bàn xã có 04 ấp thuộc ấp đặc biệt khó khăn, được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân thuộc 04 ấp này. Theo quy định cuối năm 2020 là kết thúc giai đoạn hưởng chính sách ấp đặc biệt khó khăn, do đó người dân sẽ không được cấp BHYT nữa. Hầu hết là người dân tộc Khmer có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên bà con mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, kiến nghị về trên xem xét tiếp tục hỗ trợ thẻ BHYT cho bà con thuộc các ấp đặc biệt khó khăn.

Ngày 16/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg về việc các xã, thôn trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành văn bản số 19/BDT-CSDT ngày 22/01/2021 về việc tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Quyết định số 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó quy định: Các xã, thôn được phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành kể từ ngày 01/01/2021 đến khi Quyết định phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2025 của cấp có thẩm quyền được ban hành và có hiệu lực. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã cấp 69.508 thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và 69.387 thẻ BHYT cho người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg và Quyết định số 103/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 582/QĐ-TTg, Quyết định số 103/QĐ-TTg và Quyết định số 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm: 1.673 xã khu vực I; 210 xã khu vực II; 1.551 xã khu vực III). Tỉnh An Giang có 09 xã Khu vực I gồm thị trấn Tri Tôn, xã Cô Tô, Lương Phi (huyện Tri Tôn) xã An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên), xã Nhơn Hội (huyện An Phú), xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn); không có xã Khu vực II07 xã Khu vực III gồm các xã: Ô Lâm, Núi Tô, Lê Trì, An Tức, Châu Lăng (huyện Tri Tôn), An Cư, Văn Giáo (huyện Tịnh Biên). Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên) không còn nằm trong danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Cử tri xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên: Hiện nay, đối tượng đang thờ cúng người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở. Để thực hiện tốt phương châm “uống nước nhớ nguồn” mà Đảng và Nhà nước trong những năm qua đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ, bà con cử tri mong muốn ngành chức năng huyện tiếp tục quan tâm hơn nữa, xem xét và tạo mọi điều kiện ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho đối tượng này, giúp các gia đình ổn định nơi ở, yên tâm chăm lo phát triển sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến nay, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng về nhà ở vẫn quy định thực hiện đối với bản thân người có công cách mạng hoặc thân nhân của liệt sĩ, sử dụng từ ngân sách hoặc quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” do các cấp quản lý.  Theo đó, người thờ cúng người có công với cách mạng không thuộc đối tượng xem xét, hỗ trợ, nên ngành Lao động-Thương binh và Xã hội không có cơ sở pháp lý tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thực hiện./.

Bảo Giang