Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Nguyễn Chí Thanh: Một con người sáng trong như ngọc, một cán bộ tài năng xuất chúng, văn võ song toàn!

Ngày đăng 11/01/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên - Huế, vùng đất kiên cường, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Được nuôi dưỡng, giáo dục và tiếp thu truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước; tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của Nhân dân dưới ách áp bức thống trị của thực dân, phong kiến, Đồng chí đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng.
Responsive image

Nguyễn Vịnh sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Năm 1934, khi mới tròn 20 tuổi, Đồng chí đã tham gia cách mạng, tháng 7/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến đầu năm 1938, được Đảng tin cậy giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.  Đồng chí đã dẫn dắt và khơi dậy ý chí cách mạng quật cường của đồng bào ta, tạo nên sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, làm kẻ thù hoảng sợ. Vì thế, Nguyễn Chí Thanh trở thành mục tiêu săn lùng của bọn thực dân. Tháng 7/1939, Đồng chí bị địch bắt. Trong tù, Nguyễn Chí Thanh luôn thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tháng 2/1942, Đồng chí vượt ngục, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời của Thừa Thiên - Huế. Dưới sự chỉ đạo của Đồng chí, hệ thống cơ sở cách mạng, các đoàn thể Việt Minh, lực lượng tự vệ được xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Đây là sự chuẩn bị hết sức quan trọng cho Tổng khởi nghĩa, dù sau đó vào tháng 7/1943, Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại bị địch bắt. Cho đến khi Nhật đảo chính Pháp, tháng 3/1945, mới được trả tự do.

Responsive image

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ quân đội 1960. Ảnh tư liệu

 

Tháng 8/1945, đại diện cho tổ chức Đảng ở Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Sau hội nghị, Đồng chí cùng Xứ ủy Trung kỳ lãnh đạo khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng, đặc biệt là tổ chức khởi nghĩa và thành lập chính quyền cách mạng ở thành phố Huế - trung tâm đầu não của chính quyền phong kiến Nam triều, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược,tình hình chiến sự tại Mặt trận Bình-Trị-Thiên vô cùng ác liệt, lực lượng của ta bị tổn thất nghiêm trọng, mặt trận Huế bị địch phá vỡ, nhiều cơ quan, tổ chức Đảng trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, một số cán bộ, đảng viên tỏ ra bi quan, một bộ phận quần chúng hoang mang lo sợ. Đồng chí đã khẳng định: "Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân, chúng ta nhất định thắng!" Tư tưởng xây dựng “thế trận lòng dân”, đường lối kháng chiến của Đảng, đã được đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn. Cán bộ, đảng viên và các lực lượng vũ trang Bình-Trị-Thiên đã quán triệt sâu sắc, liên tiếp giành chiến thắng, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi. Năm 1948, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng giao đảm trách cương vị Bí thư Liên Khu ủy Khu 4.

Đến năm 1950, đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị công tác mới, đồng chí đã mang hết tâm lực của mình, cùng với tập thể Tổng Quân ủy lãnh đạo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác Đảng, công tác chính trị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân; thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện một đội ngũ cán bộ quân đội ngày càng vững mạnh, chính quy.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, được Đảng phân công phụ trách mặt trận sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, lắng nghe, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, phát động các phong trào thi đua trong nông nghiệp. Đồng chí để lại những ấn tượng tốt đẹp cho cán bộ và nhân dân về tác phong làm việc sâu sát, khoa học, dân chủ, hòa mình với nhân dân.

Năm 1964-1965, trong bối cảnh đế quốc Mỹ đưa không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, đưa quân đội trực tiếp vào xâm lược miền Nam, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường đảm nhiệm cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với tác phong sâu sát, cụ thể, đồng chí đã đến nhiều địa bàn trọng điểm để nắm tình hình, nghiên cứu phương án tác chiến phù hợp, đề ra chiến lược quân sự, xác định tư tưởng kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công. Khẩu hiệu nổi tiếng: “Nắm thắt lưng địch mà đánh” và chủ trương xây dựng các “vành đai diệt Mỹ”, đã thể hiện trí tuệ và tài thao lược đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nêu tấm gương sáng trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản kiên cường; một vị chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm; một nhà lãnh đạo tài-đức vẹn toàn, tiêu biểu cho ý chí cách mạng kiên cường, gắn lý luận với thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm; khiêm tốn, giản dị, gần gũi, chân tình, hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cán bộ, đảng viên và nhân dân yêu mến, tin cậy, bạn bè quốc tế nể trọng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng tài, thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản; trung thực, thẳng thắn, chan hòa với đồng bào, đồng chí, đồng đội.

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước khẳng định: "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một con người sáng trong như ngọc, một cán bộ tài năng xuất chúng, văn võ song toàn, luôn bám sát thực tiễn để có những đóng góp xuất sắc mang tầm chiến lược…”./.

Nguồn: tuyengiaoangiang.vn