Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc

Ngày đăng 02/06/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Cuối thế kỷ XIX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như: Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Lương Văn Can… đi tìm đường cứu nước, tiến hành nhiều cuộc vận động, đấu tranh nhưng đều bị thất bại. Giữa lúc tình hình đen tối như không có đường ra, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước đã cho thấy tính vượt trội trong nhận thức. Mục đích chuyến đi được Nguyễn Tất Thành nói rất rõ ràng: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Responsive image

Bến Nhà Rồng những năm đầu thế kỷ XX. (ảnh tư liệu)

 

Ngày 05/6/1911, từ bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành - Văn Ba xuống làm phụ bếp cho tàu Amiral Latouche-Tréville của Pháp. Tàu cập cảng Marseille (Pháp) ngày 06/7/1911, sau đó tiếp tục cuộc hành trình đi châu Phi và sang châu Mỹ. Đầu tháng 12/1912, Nguyễn Tất Thành - Văn Ba đến Hoa Kỳ, rồi quay về Le Havre vào đầu năm 1913, sang Anh và sống ở Anh từ 1914, đến cuối năm 1917 sang Pháp.

Năm 1918, Nguyễn Tất Thành lấy tên Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp viết bản Yêu sách tám điểm gửi đến Hội nghị Vécxây. Bản Yêu sách đó không được Hội nghị chấp nhận, bởi tiếng nói quyết định đối với Hội nghị thuộc về các nước đế quốc thắng trận, họ không chấp nhận độc lập, tự do của các nước thuộc địa.

Thái độ đó của các nước đế quốc càng thôi thúc Nguyễn Ái Quốc tìm con đường để dân Việt Nam tự cứu lấy mình. Trước đó, năm 1917 Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và giành thắng lợi. Tuy nhiên “Ở nước ngoài, người ta biết rất ít, ít đến kinh khủng, ít đến nực cười về cuộc cách mạng của chúng ta”. Lúc đó, Nguyễn Ái Quốc chưa có hiểu biết sâu rộng về Lênin, về cách mạng Tháng Mười. Ngày 16 và 17/7/1920, báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp đăng toàn văn Sơ thảo lần thứ nhất “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê nin. Nguyễn Ái Quốc đọc và nghiên cứu bản Luận cương, và Người đã tìm thấy ở đó con đường giải phóng dân tộc. Vui mừng đến phát khóc, Người khẳng định: Hỡi đồng bào bị đọa đày, đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!

Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc vấn đề cơ bản nhất về con đường giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào - điều mà chính Người đang tìm kiếm. Từ đó, Người ra sức đấu tranh không mệt mỏi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa. Niềm tin đối với Lênin ở Người đó là niềm tin đã được kiểm chứng bằng chính những kinh nghiệm và chủ kiến của mình từ khi còn ở trong nước và gần 10 năm học hỏi, tìm kiếm trong phong trào của Nhân dân lao động thế giới. Với niềm tin đó, Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước đã trở thành người cộng sản - một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Sống trên đất Pháp, nhưng đối với chính quyền thực dân Pháp, Người đã đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa; năm 1922 xuất bản báo Người cùng khổ ở Pháp; năm 1923 sang Liên Xô dự các đại hội do Quốc tế Cộng sản tổ chức và nhiều hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, đồng thời nghiên cứu và xây dựng những luận điểm về cách mạng giải phóng thuộc địa. Năm 1924, được cử làm Ủy viên Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, Nguyễn Ái Quốc (Lý Thụy) về Trung Quốc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng, phong trào cộng sản ở các nước thuộc địa. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ đưa về Việt Nam hoạt động. Cuối năm 1927, Nguyễn Ái Quốc trở lại Liên Xô, sau đó đi Đức, sang Pháp, đến Bỉ và một số quốc gia châu Á; năm 1928, Nguyễn Ái Quốc về Xiêm (Thái Lan)…

Theo Giáo sư Trần Văn Giàu, Nguyễn Ái Quốc “đi đến đâu cũng nhận xét, cũng ghi chép, cũng tìm bạn, cũng gây ý thức”… Ghi chép cái gì? - đó là ghi chép những nỗi thống khổ của các dân tộc bị áp bức, của các giai cấp bị bóc lột, của người da màu bị khinh miệt và tàn sát, thông cảm sâu sắc với tâm tư kỳ vọng của những người nô lệ mới của thời kỳ tư bản đế quốc, tập hợp tư liệu cho sách báo về sau. Kết bạn với ai? - với những chiến sĩ đấu tranh chống áp bức dân tộc và chống bóc lột giai cấp. Nhờ kết bạn rộng rãi theo hướng đó, nên từ những năm 1919 trở đi, ngay khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu xuất hiện thì Người xuất hiện như một đại biểu có uy tín không những của dân tộc Việt Nam mà luôn của các dân tộc bị áp bức, các dân tộc thuộc địa, như một lãnh tụ quốc tế.

Nguyễn Ái Quốc đã luôn hòa mình vào cuộc sống của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động. Từ một thầy giáo dạy chữ Nho và quốc ngữ, Nguyễn Tất Thành trở thành Văn Ba thủy thủ tàu buôn rồi tiếp tục làm nhiều nghề lao động chân tay, khi xúc tuyết, khi bồi bếp, khi rửa ảnh, khi tô, vẽ đồ sứ, không chê nghề chính đáng nào và như vậy không phải một vài năm cho qua thời khó, mà suốt 10 năm dài trong lúc đó thì miệt mài tự học ngoại ngữ và văn hóa… Nhờ vậy mà việc “tìm đường cứu nước” của Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều kết quả.

Hành trình tìm và thấy được con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam và xu thế của thời đại: Tiếp thu và phát triển học thuyết Mác - Lênin về cách mạng thuộc địa, xây dựng hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tổ chức truyền bá lý luận đó vào Việt Nam, ra sức chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vạch ra cương lĩnh chính trị đúng đắn nhằm dẫn đường cho dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh vì độc lập tự do. Với sự chuẩn bị của Người cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” do chính Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, thể hiện sâu sắc tinh thần tự do, độc lập.

Nguồn: tuyengiaoangiang.vn