Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Giám đốc Sở Công thương trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Về thực trạng và giải pháp trong đấu tranh phòng chống mua bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng thông qua mạng

Ngày đăng 07/12/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: Hiện nay, việc bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng nhiều, dễ phát sinh tình trạng quảng báo sai thông tin hàng hóa, hàng hóa được đăng bán là hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng và gây thất thu thuế. Đề nghị cho thực trạng và giải pháp trong đấu tranh phòng chống mua bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng thông qua mạng xã hội, các kênh bán hàng online trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Ngày 01/12/2020, Sở Công thương có công văn số 1940/SCT-QLTM V/v trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh như sau:

Có thể nói thương mại điện tử là một xu hướng chung của thế giới, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, sản xuất để bắt kịp xu thế. Thời gian qua, Sở Công Thương đã kịp thời triển khai hiệu quả các các văn bản Luật, văn bản quy phạm pháp luật quy định về thương mại điện tử phù hợp điều kiện của tỉnh. Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam năm 2020, An Giang xếp hạng 31/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 10 bậc so với năm 2015), xếp hạng 5/13 tỉnh, thành ĐBSCL về chỉ số phát triển Thương mại điện tử. Kết quả này nhờ triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh An Giang Giai đoạn 2016-2020. Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được và trong thời gian tới Sở Công Thương nổ lực phấn đấu đến năm 2025 đưa tỉnh An Giang tăng thêm 5-10 bậc trên bảng xếp hạng.

Bởi tính tiện lợi, nhanh chóng, thương mại điện tử, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã trở thành một kênh kinh doanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm. Song hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đồng thời, chính yếu tố trực tuyến đã và đang tạo ra những thách thức trong việc quản lý hoạt động mua bán qua mạng cũng như việc thực thi ngăn chặn các gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.

Do đó, nhằm phổ biến các chế tài, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử cũng như trang bị, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp công tác và hoạt động liên quan đến lĩnh vực Thương mại điện tử, trong năm 2020 Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị “Hành vi vi phạm trong Thương mại điện tử và lựa chọn Mô hình Thương mại điện tử phù hợp với doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý website thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh hiện nay được quy định bởi Thông tư số 47/2014/TT-BCT được ban hành nhằm bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BCT và hoạt động xử lý hành vi vi phạm trong thương mại điện tử được hướng dẫn bởi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trên thực tế, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã được xây dựng khá chi tiết và đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý, nhưng thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh và liên tục, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong thời gian tới, để tăng cường đấu tranh phòng chống mua bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng thông qua mạng xã, các kênh bán hàng online trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử sau khi Chính phủ ban hành (Hiện nay, Bộ Công Thương đã hoàn chỉnh và đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ). Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, các tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh trên địa bàn các văn bản pháp luật, chủ trương chính sách của nhà nước, các thông tin liên quan đến thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, thành phố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: trang thông tin điện tử, báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình, bandrol, apphic, tập huấn, hội nghị,…., nhằm nâng cao kiến thức người dân, trang bị kỹ năng khi thực hiện các giao dịch trên hệ thống mạng. Thường xuyên phối hợp với Sở, ban ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử./.

Kim Yến